Đảo Sulawesi ngày nay được biết đến với một số bộ tộc mang DNA có mức độ ''không thuần chủng'' cao: họ vẫn là những Homo sapiens như chúng ta, nhưng có một phần bộ gene thừa hưởng từ một loài đã tuyệt chủng cùng thuộc chi Người (Homo).
Hiện trường khai quật ở hang Leang Bulu Bettue - Ảnh: PLOS ONE
Vị tổ tiên bí ẩn đó được cho là người Denisovans, một ''loài người ma'' ẩn hiện trong bộ gene của con người hiện đại, là dấu tích của các cuộc hôn phối khác loài. Nhưng giới khảo cổ chưa từng tìm được một bộ hài cốt hay một hộp sọ Denisovans cụ thể nào trên khắp Trái Đất.
Theo Acient Origins, một cuộc khai quật năm 2020 trên đảo Sulawesi đã giúp tìm được 2 báu vật lớn: những mảnh phù điêu chạm khắc tinh tế, niên đại lên tới 20.000 năm.
Báu vật Sulawesi - mảnh phù điêu được chạm khắc tinh tế - Ảnh: PLOS ONE
Lần tìm theo 2 báu vật này, mới đây, một nhóm khảo cổ từ Úc và Indonesia, dẫn đầu bởi giáo sư Adam Brumm từ Trung tâm Nghiên cứu sự tiến hóa con người của Úc, tuyên bố đã khai quật được các mảnh hài cốt người hóa thạch cổ xưa nhất: 25.000 năm tuổi.
Họ được xác định là người Homo sapiens, tức tổ tiên chúng ta, ẩn náu trong hang Leang Bulu Bettue ở Tây Nam Sulawesi, là bằng chứng trực tiếp đầu tiên cho thấy con người hiện đại đã chiếm đóng Sulawesi vào cuối thế Pleistocene (tức thế Canh Tân của kỷ Đệ Tứ, trước khi kết thúc kỷ băng hà cuối cùng).
Các mẩu xương được khai quật - Ảnh: PLOS ONE
Các mảnh hài cốt chủ yếu là các phần xương hàm và được kỳ vọng sẽ giúp trả lời câu hỏi: có phải đó là thời điểm người Homo sapiens đã đến vùng Wallacea (một cụm quần đảo - đảo lớn thuộc Indonesia và Úc ngày nay, chứa nhiều di chỉ của con người cổ đại) và gặp gỡ người Denisovans?
Các mẩu hài cốt đang được đem phân tích và các nhà khoa học tin rằng nó sẽ là bằng chứng trực tiếp, hoặc ít ra tiếp tục dẫn đường đến bằng chứng trực tiếp về các cá thể lai Homo sapiens - Denisovans rõ ràng. Việc tìm thấy hài cốt ở vùng này cực kỳ khó khăn bởi loại đất trong khu vực khiến xương người dễ dàng bị phân hủy hoàn toàn.
Nghiên cứu sơ bộ vừa công bố trên tạp chí khoa học PLOS ONE.
Bình luận (0)