Theo National Geographic, đó là những dấu chân hóa thạch được tìm thấy tại Công viên Quốc gia White Sands (New Mexico, Mỹ), đã trở thành bằng chứng trực tiếp cho giả thuyết con người cổ đại đã khai phá châu Mỹ - lục địa hoàn toàn không người - từ thời Cực đại băng hà.
Các dấu chân được tìm thấy tại Công viên Quốc gia White Sands - Ảnh: Matthew Bennett
Dẫn lời ông David Bustos, nhà quản lý tài nguyên tại Công viên Quốc gia White Sands, người đầu tiên phát hiện ra hóa thạch, tờ Sci-News cho biết mảng dấu chân chỉ là một phần nhỏ trong thảm hóa thạch lớn đầy những dấu chân cổ đại, nhưng hầu hết đã bị phá hủy do xói mòn. Vì vậy các nhà khoa học đã cố gắng bảo tồn những dấu chân còn lại một cách gấp rút.
Sử dụng phương pháp định tuổi bằng đồng vị carbon phóng xạ dựa vào các lớp hạt ở trên và dưới bề mặt dấu chân, họ nhận thấy các dấu chân có tuổi đời cách xa nhau tận 2 thiên niên kỷ, trong đó dấu cổ nhất lên tới 23.000 năm. Như vậy, không chỉ có một cuộc di cư đơn lẻ mà con người cổ đại đã sử dụng nơi đây như đường mòn để đến với tân thế giới trong suốt 2.000 năm.
Theo tiến sĩ Sally Reynolds từ Đại học Bournemouth, đây là một địa điểm quan trọng bởi cảnh quan xung quanh đều ghi dấu sự tương tác của con người với các động vật đã tuyệt chủng như voi ma mút và những con lười khổng lồ.
Với niên đại đó, chắc chắn họ phải di chuyển bằng đường bộ. Điều này làm củng cố thêm giả thuyết về một ''cây cầu đất'' đã bị các quá trình địa chất phá hủy, nối liền châu Á và Bắc Mỹ. Trước đây, người ta tin rằng cuộc di cư khoảng 17.000-18.000 năm, vì những bằng chứng cổ xưa nhất của con người ở Bắc Mỹ chỉ khoảng 16.000 năm. Nhưng phát hiện mới này đã làm thay đổi lịch sử.
Bình luận (0)