27 xác ướp được xác định là 5 loài chim khác nhau, trong đó hầu hết là những con vẹt Amazon đầy màu sắc. Chúng được ướp xác trong tư thế nằm ngủ ngoan ngoãn hoặc dang thẳng cánh thực hiện "chuyến bay cuối cùng" về thế giới bên kia.
Một con vẹt Nam Mỹ, có nguồn gốc từ tận rừng giả Amazon cổ đại được biến thành xác ướp, chôn cất cùng con người - Ảnh: PNAS
Theo nhóm tác giả dẫn đầu bởi tiến sĩ Jose M. Capriles từ Đại học Pennsylvania (Mỹ), có 2 câu hỏi lớn được đặt ra từ phát hiện này. Một là, vì sao những con vẹt này được ướp xác? Hai là, với niên đại từ 3.000 đến gần 3.500 năm của các xác ướp, người cổ đại đã là cách nào để mang những con vẹt từ rừng già Amazon đến được vùng sa mạc này mà không làm chúng chết?
Quãng đường bộ từ Amazon đến sa mạc Atacama hết sức hiểm trở và khó đi ngay cả với các phương tiện hiện đại. Chưa kể, họ còn phải vượt qua dãy núi Andes hiểm trở với một số đỉnh cao hàng ngàn mét, rồi tiếp tục băng qua sa mạc nhiều ngày để đến được ốc đảo nơi nghĩa trang tọa lạc. Atamaca là một sa mạc cực kỳ khắc nghiệt, được coi là một trong những nơi khó sống nhất Trái Đất. Trong khi đó, giai đoạn tiền Inca này cả ngựa và lạc đà không bướu đều chưa được dùng làm phương tiện chở hàng. Lạc đà không bướu cũng không dẻo dai như các loại lạc đà khác.
Một xác ướp vẹt khác - Ảnh: PNAS
Theo Acient Origins, kết quả xác định niên đại bằng đồng vị carbon phóng xạ và xét nghiệm DNA đã xác định được nhiều yếu tố, bao gồm chế độ ăn, uống, loài, môi trường sống... Thức ăn chủ yếu mà các con vật đã tiêu thụ trong giai đoạn dài trước khi qua đời là bắp ngô được trồng trong khu vực, bón bằng phân chim biển, cho thấy chúng đã sống sót qua quãng đường vận chuyển khó khăn nói trên.
Tuy nhiên, đây là những con thú nuôi bất hạnh. Tiến sĩ Capriles tiết lộ thêm với CNN: "Chúng được nuôi để tạo ra lông vũ và lông của chúng sẽ được nhổ ra sau khi mọc".
Đó cũng là lý do phần lông vũ màu sắc thường tập trung ở vùng đầu của các xác ướp kỳ lạ này, trong khi phần thân có vẻ như bị trụi lông, lông đuôi và cánh cũng khá thưa thớt. Các tác giả vẫn đang tiếp tục nghiên cứu nhằm tìm hiểu ý nghĩa của hành động ướp xác cũng như cách người xưa nhập khẩu những con vật này.
Nghiên cứu vừa công bố trên tạp chí khoa học PNAS.
Bình luận (0)