Nhóm nghiên cứu đứng đầu bởi tiến sĩ Troels Pan Arbøll từ Đại học Copenhagen (Đan Mạch) đã giải mã thành công một phiến đất sét quái dị khắc hình sinh vật có sừng, đuôi dài, lưỡi rắn, đứng thằng như con người.
Kết quả hết sức bất ngờ: đó là tác phẩm của... một vị bác sĩ thời cổ đại. Tình trạng co giật quái đản mà "con quỷ" gây ra thực ra là chứng động kinh. Nói cách khác, "con quỷ" chỉ là hình tượng mà người thầy thuốc người Assyrian cổ đại dùng để đại diện cho căn bệnh dễ gây hoảng sợ này.
"Con quỷ" trên bản khắc đá và hình vẽ được các nhà khoa học phục dựng trên giấy (giữa) - ảnh: UNIVERSITY OF COPENHAGEN
Được viết bằng một ngôn ngữ cổ của người Sumer từng cư ngụ ở Iraq thời cổ đại, bản khắc còn mô tả lại chi tiết về căn bệnh cũng như phương pháp điều trị. Cả phiến đất sét chính là một trang sách y khoa sơ khai của 2.700 năm trước, khi các phương pháp thực hành y khoa còn đan xen với các nghi thức ma thuật.
Tiến sĩ Arbøll cho biết ông đã nghiên cứu phiến đá trong suốt 4 năm, để rồi tình cờ phát hiện ra sự thật ngỡ ngàng trong một lần kiểm tra lại gần đây. "Từ lâu, chúng ta dã biết rằng người Assyria và người Babylon coi bệnh tật là hiện tượng gây ra bởi các vị thần, ác quỷ hoặc phù thủy. Những người chữa bệnh chịu trách nhiệm trục xuất các lực lượng siêu nhiên này khỏi cơ thể bệnh nhân, nhằm đẩy lùi các triệu chứng. Công cụ chữa bệnh có thể là thuốc, các nghi lễ hoặc bùa chú" – tiến sĩ Arbøll giải thích.
Cổ văn thần bí này gọi vấn đề mà con quỷ gây ra là Bennu, gây sợ hãi ở Iraq cổ đại với các triệu chứng co giật, mất ý thức, nhiều bệnh nhân còn "kêu lên như một con dê". Các mô tả hoàn toàn phù hợp với vấn đề mà y học hiện đại gọi là động kinh. Cổ văn còn miêu tả rằng con quỷ đã hành động thay cho thần mặt trăng Sin, vì vậy căn bệnh có liên quan đến chu kỳ của mặt trăng và sự điên rồ.
Vị bác sĩ nói trên tên Kisir-Ashur, các cổ văn trên đất sét của ông có thể là một trong các tài liệu y khoa cổ xưa nhất từng được tìm thấy.
Bình luận (0)