Theo Sci-News, loài bọ cạp biển kỳ lạ được đặt tên Hibbertopterus lamsdelli, tồn tại trong kỳ Kasimovian cuối thế Pennsylvanian của kỷ Than Đá.
Nó xuất hiện một cách nguyên vẹn đáng kinh ngạc như một "quái vật bị phong ấn" trong phiến đá cổ xưa thuộc mỏ đá Kinney, hạt Bernalillo, tiểu bang New Mexico - Mỹ. Vỉa đá nơi nó bị giam giữ trong khoảng 303-307 triệu năm là một vỉa đá chủ yếu có màu đất son, nhiều lớp, chứa các dạng đá vôi và là loại đá hay nắm giữ các hóa thạch.
Con bọ cạp biển khổng lồ được khai quật trong một mỏ đá ở New Mexico - Ảnh: Historical Biology
Sinh vật được nhóm nghiên cứu dẫn đầu bởi tiến sĩ Simon Braddy từ Đại học Bristol (Anh) phân tích, cho thấy nó là một thành viên của họ Hibbertopteridae, một nhóm đã tuyệt chủng trong Bộ Eurypterida.
Bộ Eurypterida là một bộ cạp biển khổng lồ với khoảng 250 loài thuộc nhiều họ khác nhau. Con mới được khai quật có thể thuộc về loài lớn thứ tư với độ dài khoảng 1,1 m. Loài lớn nhất của bộ này có độ dài cơ thể lên tới 2,5 m.
Các nhóm khoa học gia đã phục dựng lại hình ảnh về một con bọ cạp biển có hình dáng khác biệt nhiều so với những gì chúng ta gọi là "bọ cạp" ngày nay, với phần thân nhiều khoang, cái đầu mang một chiếc mai như tấm khiên lớn và nhiều chân mọc từ vùng đầu, tua tủa gai nhọn.
Hình dáng được phục dựng qua ảnh của sinh vật - Ảnh: Historical Biology
Chúng sống ở các vùng sông, biển cổ đại. Dù các loài thủy quái này mang kích thước khổng lồ nhưng các nhà cổ sinh vật học cho rằng chúng không săn những con mồi lớn mà nằm dưới đáy và ăn những động vật giáp xác nhỏ và giun.
Cuộc sống dưới đáy nước được thể hiện qua việc đôi mắt nằm trên đỉnh của chiếc mai ở đầu.
Sinh vật kỳ lạ vẫn đang tiếp tục được phân tích. Các hiểu biết sơ bộ về nó vừa được công bố trên tạp chí khoa học Historical Biology.
Bình luận (0)