"Tôi cảm thấy thú vị khi biết loài cá có khả năng thực hiện một hành vi phức tạp đến thế. Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy, những đặc tính mà chúng ta nghĩ chỉ con người mới có cũng có thể tồn tại ở loài vật có hệ thần kinh đơn giản hơn nhiều", Martin Plath, giáo sư tại Đại học Postdam, Đức, phát biểu.
Để tiến hành nghiên cứu, nhóm của Martin thả hai con cá Mollies cái vào một bể rồi đưa một con đực vào. Họ quan sát các hành vi tán tỉnh của nó trong 5 phút, sau đó lặp lại thí nghiệm với nhiều con cá đực khác. Kết quả cho thấy những chú cá đực thường bơi về phía con cá cái to hơn. Cuối cùng, họ thả toàn bộ cá đực vào bể, nhưng chỉ có một con có thể tiếp cận hai con cái. Những con còn lại bị ngăn cách bởi một tấm kính trong suốt. Nhìn thấy quá nhiều cá đực ở bên kia tấm kính, con cá đực "may mắn" lại hướng về phía con cá cái nhỏ hơn, trái ngược hẳn với hành vi của nó trong thử nghiệm trước đó.
Theo các nhà nghiên cứu, những tín hiệu đánh lừa có thể là một chiến thuật lợi hại trong việc tìm kiếm bạn tình của cá Mollies. Chúng áp dụng chiến thuật này để hướng sự chú ý của các đối thủ ra khỏi con cái mà nó thích.
Hành vi đánh lừa ở động vật từng được ghi nhận trong nhiều tài liệu trước đây. Chẳng hạn, quạ biết cách đánh lạc hướng đối thủ để chúng không thể phát hiện nơi giấu thức ăn. Tuy nhiên, theo Martin, đây là lần đầu tiên các nhà khoa học được chứng kiến cảnh các con đực đánh lừa nhau về sự lựa chọn bạn tình. Nhóm nghiên cứu của Martin cũng rất ngạc nhiên khi nhận thấy sự nhiệt tình của cá Mollies đực đối với các con cái giảm hẳn khi những con đực khác xuất hiện. Nó bơi thong thả như thể không thèm quan tâm tới việc tìm bạn tình.
Bình luận (0)