Trước đó các nhà nghiên cứu lo ngại các dải san hồ ngoài khơi Indonesia có thể phải mất một thập kỷ mới có thể trở về trạng thái cũ. Nhưng Hội bảo tồn đời sống hoang dã (WCS) có trụ sở tại New York phát hiện những bằng chứng về sự tăng trưởng rất nhanh của lớp san hô non tại những khu vực bị sóng thần tàn phá nặng nhất.
Phát ngôn viên của WCS cho biết, các dải san hô bị hủy hoại giai đoạn trước trận sóng thần ngày 26/12/2004 cũng đang phục hồi. Tổ chức này ghi nhận một số cộng đồng ngư dân địa phương đã chấp nhận từ bỏ cách thức đánh bắt cá gây hại cho đời sống tự nhiên, thậm chí còn trồng lại san hô ở những khu vực bị tàn phá.
"Đây là một câu chuyện tuyệt với về sự kiên cường và khả năng phục hồi của hệ sinh thái", điều phối viên Chương trình biển Indonesia thuộc WCS nhận xét. "Những phát hiện này cho chúng ta hiểu biết mới về tiến trình phục hồi san hô, từ đó giúp quản lý tốt các dải san hô trong việc đối phó với tình trạng thay đổi khí hậu", ông nói thêm.
Trong khi đó Ove Hoegh-Guldberg, một chuyên gia về dải đá ngầm của Đại học Queensland, Australia không tham gia vào nghiên cứu của WCS, thì đánh giá những phát hiện trên không gây ngạc nhiên, do san hô có khả năng phục hồi mang tính điển hình nếu không bị tác động từ hoạt động đánh bắt cá và phát triển vùng duyên hải.
Hoegh-Guldberg cho biết: "Chúng tôi cũng đang chứng kiến những thứ tương tự xung quanh dải san hô ngầm ở Great Barrier Reef, hệ thống dải san hô lớn nhất thế giới nằm ở đông bắc Australia, nơi từng trải qua thảm họa thiên nhiên dữ dội nhưng có thể nhanh chóng phục hồi trạng thái cũ".
Trong thảm họa sóng thần cuối năm 2004, các quốc gia quanh Ấn Độ Dương bị tàn phá nặng nề và làm khoảng 230.000 người thiệt mạng, chủ yếu là ở tỉnh Aceh của Indonesia. Người dân các nước Indonesia, Thái Lan, Ấn Độ và Sri Lanka hôm qua tổ chức cầu nguyện nhân 4 năm xảy ra cơn đại hồng thủy.
Bình luận (0)