Tờ Space đã điểm mặt một số tàu vũ trụ thiện chiến nhất đã tiếp cận mục tiêu hoặc được đưa lên không gian trong năm 2018, đưa trí tuệ loài người đến những hành trình xa xôi nhất từ trước đến nay.
1. Parker Solar Probe và chiến dịch "chạm mặt trời"
Parker Solar Probe, siêu tàu vũ trụ của NASA, đã được một tên lửa hạng nặng đưa lên không gian ngày 2-8-2018, từ Tổ hợp phóng 37 tại Trạm không quân Cape Canaveral ở Florida - Mỹ. Tàu này được chế tạo siêu bền, có thể chịu được sức nóng hàng triệu độ khi tiếp cận mặt trời và có thể tồn tại đến hàng tỉ năm.
Giữa tháng 12 vừa qua, Parker Solar Probe đã gửi về trái đất hình ảnh đầu tiên chụp khí quyển bên ngoài của mặt trời ở khoảng cách cực gần, chỉ 27 triệu km.
Parker Solar Probe rời trái đất - ảnh: NASA
2. InSight đổ bộ Sao Hỏa
Đây không phải là lần đầu NASA tiếp cận Sao Hỏa nhưng InSight là một chiến binh hoàn toàn khác biệt. Tàu này đổ bộ cố định, tiếp cận an toàn khu vực Elysium Planitia trên Sao Hỏa vào ngày 26-11 để rồi đặt máy đo địa chấn thành công vào ngày 19-12. Đây là lần đầu tiên một công cụ khoa học được triển khai trực tiếp trên hành tinh đỏ.
"Cánh tay" của InSight đang đặt thiết bị thăm dò lên mặt đất Sao Hỏa - ảnh: NASA
Trước InSight, NASA có một chiến binh khác dạng xe rover tự hành là Mars Curiosity. Robot này đã từng biến mất khi cơn bão bụi toàn hành tinh che mất ánh sáng mặt trời nhưng nay đã hoạt động trở lại, tiếp tục nghiên cứu ở khu vực Mount Sharp và Aeolis Mons. Năm 2021, NASA sẽ tiếp tục triển khai chiến dịch ExoMars với chiến binh mới.
3. "Thợ săn hành tinh" TESS
Phiên bản trẻ trung và siêu việt hơn của kính viễn vọng Hubble có nhiệm vụ tìm kiếm cho NASA những bản sao trái đất và các dạng ngoại hành tinh khác. Nó cần khảo sát 200.000 ngôi sao sáng nhất bầu trời để hoàn thành "chỉ tiêu" phát hiện ít nhất 1.600 hành tinh ngoài hệ mặt trời (ngoại hành tinh) quay quanh các ngôi sao đó.
TESS được yêu cầu chú trọng nhất vào các hành tinh có kích cỡ tương tự trái đất và điều kiện hỗ trợ sự sống, nhằm thực hiện mong muốn của con người tìm được bạn bè ngoài hành tinh.
TESS rời trái đất - ảnh: NASA
4. Trung Quốc tiến đến "vùng tối" của mặt trăng
Tàu thăm dò Hằng Nga 4 của Trung Quốc đã rời trái đất vào ngày 8-12 vừa qua để khám phá nửa kia của mặt trăng – nơi chúng ta không thể quan sát được từ trái đất. Như một số vệ tinh tự nhiên khác của các hành tinh trong hệ mặt trời, mặt trăng vốn bị "khóa" với trái đất và luôn hướng một mặt duy nhất về phía chúng ta. Dự kiến Hằng Nga 4 sẽ tiếp cận Von Kármán Crater, một hố rộng 186 km thuộc khu phức hợp Nam Cực-Aitken Basin của mặt trăng, ước tính kéo dài đến 2.500 km.
Hằng Ngà 4 - Ảnh: China National Space Administration
5. Hayabusa-2 của Nhật Bản đến Ryugu
Sau hơn 3 năm lang thang ngoài vũ trụ, Hayabusa-2 đã tiếp cận tiểu hành tinh Ryugu và thả 2 "robot nhảy" xuống làm nhiệm vụ khám phá. Tàu vũ trụ này có nhiệm vụ nghiên cứu Ryugu và đem một ít mẫu đất đá về trái đất nghiên cứu. Đây là một tiểu hành tinh cổ đại, có thể nắm giữ bí mật của Hệ Mặt Trời từ thưở sơ khai.
Bề mặt Ryugu - ảnh: Hayabusa-2
6. OSIRIS-REx của NASA cập bến Bennu
Ngày 3-12 vừa qua, chiến binh của NASA đã đến được tiểu hành tinh Bennu rộng 500 m. Giống như Ryugu, Bennu là một tiểu hành tinh cổ đại và có giá trị nghiên cứu tương đương.
Bennu - ảnh: NASA
7. Voyager 2 đạt đến không gian giữa các vì sao
Vào ngày 10-12, tàu vũ trụ này đã đến được nơi người anh em Voyager 1 của nó đang ở, vượt ra ngoài vòng xoắn ốc, nơi ảnh hưởng của mặt trời lên nó nhường chỗ cho các ngôi sao khác, tuy khu vực này vẫn thuộc phần rìa của Hệ Mặt trời.
Mô tả vị trí của anh em song sinh Voyager 1 và 2 - ảnh đồ họa của NASA
Voyager 2 sẽ tiếp tục đi càng xa càng tốt. Tuy nhiên, nó sẽ không bao giờ có thể rời khỏi Hệ Mặt trời hoàn toàn vì pin năng lượng sẽ xuống thấp trong các năm tới và có thể tắt hoàn toàn vào năm 2025.
Bình luận (0)