Nhóm khoa học gia từ đơn vị Đa dạng sinh học, sinh thái và tiến hóa của vi khuẩn (DEEM) của Cơ quan nghiên cứu Quốc gia Pháp CNRS và Đại học Paris – Sud (Pháp), vừa công bố phát hiện tình cờ và đáng kinh ngạc của họ tại miền đất phía Bắc Ethiopia (một quốc gia Châu Phi).
Miền đất chết chóc nhất trái đất sở hữu vẻ đẹp lạ lùng - ảnh: DEEM
Trong quá trình đi tìm kiếm các dạng sống đặc biệt của vi khuẩn trên khắp thế giới, họ đã phát hiện ra một "miền đất thần chết" - đó là khu vực các hồ thủy nhiệt Dallol ở Ethiopia. Toàn bộ khu vực mang một vẻ đẹp mê hoặc với những sắc màu rực rỡ có một không hai. Nhưng vẻ đẹp đó lại vô cùng đáng sợ: đó có thể là nơi duy nhất trên trái đất sở hữu những điều kiện chết chóc đến mức không một sinh vật nào, bao gồm vi khuẩn, có thể tồn tại.
Các chai đựng nước đủ màu từ "miền đất thần chết" được các nhà khoa học lấy lên để xét nghiệp - ảnh: DEEM
Một nhóm khoa học gia đang làm việc tại hiện trường - ảnh: DEEM
Suốt những năm 2016 đến 2018, một loạt kỹ thuật hiện đại đã được triển khai nhằm tìm kiếm bất kỳ dấu vết nào của sự sống trong hệ thống ao hồ Dallol, nhưng đều không thu được kết quả.
Vùng chết chóc của trái đất như một bức tranh ngũ sắc huyền ảo - ảnh: DEEM
Phát hiện trên được đánh giá là vô cùng kinh ngạc, bởi ngay cả trong công cuộc tìm kiếm sự sống ngoài trái đất, các nhà khoa học cũng phải tìm kiếm dấu vết của nước vì đó là điều kiện quan trọng để hỗ trợ sự hình thành sự sống. Thật khó tin ngay tại một hành tinh khắp nơi có sự sống như trái đất, lại tồn tại một "tử địa"… ngập đầy nước và có cả hệ thống thủy nhiệt – thứ được cho là liên quan đến nguồn gốc sự sống ở trái đất và nhiều hành tinh khác.
Nhiều thiết bị được sử dụng để tìm kiếm sự sống nhưng vô vọng - ảnh: DEEM
Ảnh: DEEM
Theo các tác giả, chính nước ở Dallol lại là vị "thần chết" cho các sinh vật trái đất. Nước ở đây có tính axit và độ mặn cực cao, đồng thời chứa một lượng magiê rất lớn, đủ để phá hủy mọi tế bào sống lọt vào đó.
Nghiên cứu vừa công bố trên tạp chí khoa học Nature Ecology & Evolution.
Bình luận (0)