1. Người Denisovans
Khoảng 600.000-744.000 năm về trước, một dòng giống mang tên Homo heidellbergensis thuộc chi Người (Homo) bắt đầu phân tách. Một nhóm nhanh chóng tiến hóa thành người Denisovans và người Neanderthals, trong khi nhóm khác tiến hóa dần dần để vài trăm ngàn năm sau sinh ra dòng giống Homo sapiens mới. Trong vòng 300 thế hệ, nhánh còn lại tiến hóa thành Denisovans và Neanderthals
Denisovans là loài người khá hoang dã và sống phụ thuộc nhiều nhất vào săn bắn. Có nghiên cứu cho thấy trong khoảng thời gian đói kém, họ săn cả những con linh trưởng và ăn thịt lẫn nhau để tồn tại.
Người Denisovans - ảnh: LIVE SCIENCE
Ngày rời Châu Phi, Denisovans chia làm 2 nhánh, 1 nhánh tìm rẽ lên Siberia (Nga) và Tây Tạng (Trung Quốc) bây giờ, 1 nhánh rẽ xuống khu vực Đông Nam Á, chinh phục cả những miền đất tận cùng như vùng Indonesia, Philippines, miền bắc Châu Đại Dương ngày nay. Lúc đó, đất đai hãy còn liền một dải nhờ mực nước thấp và quá trình kiến tạo chưa đẩy những đảo quốc ấy đi quá xa khỏi châu Á lục địa. Họ tuyệt chủng từ khoảng 30.000-40.000 năm về trước.
Theo nghiên cứu công bố tháng 7-2019 của Đại học New York (Mỹ), người Denisovans từng giao phối dị chủng với tổ tiên Homo sapiens chúng ta, để lại trên cơ thể 40% người châu Á hiện đại chiếc răng hàm Denisovans kỳ dị, có thêm 1 chân phụ.
2. Người Neanderthals
Loài người này cũng tuyệt chủng khoảng 30.000-50.000 năm về trước, chọn châu Âu là "đất hứa" sau khi rời châu Phi. Các nghiên cứu cho thấy về mặt giải phẫu, cơ thể họ có khi còn thẳng và đẹp đẽ hơn người hiện đại chúng ta. Họ là những thợ săn tài tình, khắc tinh của những sinh vật to lớn như ma mút. Họ cũng có tình yêu dị chủng với Homo sapiens. Nhiều người châu Âu, đặc biệt là Bắc Âu ngày nay vẫn mang 2% yếu tố Neanderthals trong DNA.
Người Neanderthals - ảnh: BẢO TÀNG NEANDERTHALS
3. Homo erectus
Nghiên cứu công bố tháng 12-2019 đã cho thấy họ không tuyệt chủng trước khi Homo sapiens ra đời như suy nghĩ trước đây, mà có phần lịch sử song song chúng ta suốt 200.000 năm. Sau 2 triệu năm trên địa cầu, nhóm Homo erectus cuối cùng đã chọn đảo Java (Indonesia) là nơi sinh sống cuối cùng, hoàn toàn biệt lập, để rồi tuyệt chủng trong một thảm họa thiên nhiên. Họ còn có tên "người đứng thẳng", vì là loài người đầu tiên đứng hoàn toàn thẳng trên trái đất.
Homo erectus - ảnh: BBC
4. Người Hobbit
Người lùn Hobbit hoàn toàn có thật, cơ thể họ chỉ cao khoảng 1 m, đã sống và tuyệt chủng tên đảo Flores (Indonesia) khoảng 12.000 năm về trước do thảm họa núi lửa. Họ có tên đầy đủ là Homo floresiensis.
Người Hobbit - ảnh: NATIONAL GEOGRAPHIC
5. Homo rhodesiensis
Nguồn gốc của họ chưa rõ ràng, nhưng các bằng chứng cho thấy họ cũng liên quan đến Homo heidellbergensis như chúng ta. Hóa thạch mới nhất của họ khoảng 125.000 tuổi, xuất hiện ở Zambia (Châu Phi). Phân tích cho thấy đó là một người đàn ông lưng thẳng, khỏe mạnh, xương hông vững chắc, khuôn mặt rộng và đặc biệt là cặp lông mày cực kỳ dày.
Homo rhodesiensis - ảnh: SMITHSONIAN INSTITUTION
6. Homo luzonensis
Nhiều hóa thạch, mẫu vật mới nhất có niên đại khoảng 67.000 năm của họ đã được phát hiện tại hang Callao, thuộc đảo Luzon (Philippines). Do số lượng rất ít nên mô tả về họ vẫn chưa rõ ràng, nhưng phân tích ban đầu cho thấy họ cũng là một giống người lùn giống người Hobbit. Tháng 4-2019, nghiên cứu đứng đầu bởi tiến sĩ Florent Détroit (Bảo tàng Lịch sử tự nhiên Quốc gia Paris – Pháp) khẳng định họ là một loài người mới chưa được biết đến, chính thức được đặt tên Homo luzonensis.
Hang động nơi tìm thấy xương loài người chưa rõ chân dung - ảnh do nhóm nghiên cứu cung cấ
7. Homo naledi
Loài người này lựa chọn ở lại vĩnh viễn miền đất Nam Phi, cái nôi của nhân loại. Những hóa thạch ít ỏi của họ có niên đại khoảng 250.000 năm.
Homo naledi - ảnh: NATIONAL GEOGRAPHIC
Loài người này là những người hang động khá nhỏ con so với các loài người khác, chiều cao dưới 1,5 m và nặng chỉ khoảng 45 kg. Họ được mô tả chính thức vào năm 2015 bởi nhóm tác giả quốc tế đứng đầu bởi nhà cổ sinh vật học Lee Berger (Đại học Witwatersrand – Nam Phi).
Bình luận (0)