Uống rượu mạnh không pha chế là thói quen phổ biến của người Việt Nam. Điều này dễ tạo cảm giác nóng trong cổ họng, hơi thở và có thể là cả cơ thể cứ "phừng phừng" sau mỗi lần chạm cốc. Uống một hớp nước lạnh có thể là cách giải quyết. Cũng không ít người chọn "chữa cháy" bằng bia, nước ngọt, nước tăng lực, nước trái cây hay trà đá.
Uống nhiều thứ trong cùng một buổi tiệc không phải ý hay - Ảnh minh họa từ Internet
"Dân nhậu" Anh quốc thường cho rằng không nên uống rượu sau khi uống bia (Wine after beer/You'll feel queer/ Beer after wine/You'll feel fine) còn người Đức ngược lại có câu: "Bia sau rượu: bạn phải tránh/ Rượu sau bia: tôi khuyên bạn hãy làm theo" (Bier auf Wein, lass das sein; Wein auf Bier, das rat' ich dir).
Còn theo bài báo mới được đăng tải trên tạp chí danh tiếng The Conversation của tiến sĩ Stephen Bright - nhà tâm lý học chuyên nghiên cứu về rượu và các chất gây nghiện, giảng viên cao cấp Đại học Edith Cowan (Úc) - thì về cơ bản, dùng tới mấy loại thức uống xen lẫn nhau là không nên, cho dù theo thứ tự nào.
Bởi lẽ, bạn ít nhiều gặp phải cảm giác say, mệt khi thưởng thức bất kỳ loại đồ uống có cồn nào. Thức uống có cồn làm giảm chức năng của vùng vỏ não trước trán, làm bạn mất dần khả năng thẩm định và quyết định đúng đắn.
Khi bạn dùng bia "chữa cháy" cho rượu, bạn có thể tạm cảm thấy nhẹ nhàng hơn bởi đó là thức uống có lượng cồn thấp hơn rất nhiều. Tuy nhiên, chính vì nghĩ nó "nhẹ" cộng với khả năng thẩm định, quyết định sai lạc do say rượu, bạn dễ tiêu thụ rất nhiều bia. Điều tương tự cũng xảy ra nếu bạn quyết định chữa cháy bằng vài cốc nước trái cây có cồn nhẹ (pha một ít rượu).
Nếu uống bia trước rượu, tình hình cũng không khá khẩm hơn bởi lẽ khi quyết định đổi đồ uống, thường người ta cũng đã bắt đầu say. Nếu tìm đến rượu với hy vọng tìm thức uống "đã" hơn, bạn cũng dễ uống nhiều.
Và đó là lý do bữa tiệc vừa có rượu, vừa có bia làm bạn mệt nhoài vào sáng hôm sau, chứ không phải do hai thứ này tương tác bất lợi.
Thức uống chữa cháy nguy hiểm còn có các thức uống chứa caffein (cà phê, trà, nước tăng lực, một số loại nước ngọt…). Caffein với tác dụng kích thích thần kinh giúp bạn cảm thấy tỉnh táo trở lại và có thể uống nhiều hơn mà không thấy say nữa.
Cố giúp mình tỉnh táo bằng trà, cà phê, nước tăng lực càng khiến tình hình tồi tệ hơn - Ảnh minh họa từ Internet
Tuy nhiên đó chỉ là cảm giác: bạn không thấy say nhưng nhận thức và các kỹ năng vẫn suy giảm. Một công trình lấy dữ liệu từ 13 nghiên cứu khác nhau cho thấy những người uống rượu chung với nước tăng lực có nguy cơ thương tích do tai nạn giao thông cao hơn hẳn những người chỉ uống rượu.
Vì vậy, tiến sĩ Stephen Bright khuyên bạn đừng nên đổ lỗi cho việc dùng quá nhiều loại bia, rượu, nước ngọt, trà… khác nhau trong bữa tiệc khiến bạn cảm thấy muốn bệnh vào hôm sau và cũng đừng ảo tưởng rằng một thức uống nào khác có thể "chữa cháy" để bạn bớt say.
Tốt nhất, hãy chấp nhận cảm giác say để biết dừng đúng lúc và thừa nhận tất cả những cảm giác mệt mỏi bạn cảm thấy là do nạp quá nhiều cồn!
Bình luận (0)