Ảnh: INTERNET
Ba “ông lớn” so kè
Để hiểu rõ về cuộc chiến mới của thị trường máy chơi game, ta cần biết về tiểu sử của bộ ba kình địch Nintendo, Sony và Microsoft. Cả 3 công ty công nghệ khổng lồ này đều đã từng nếm thất bại và thành công, đều từng một lần trở thành “vua” trong cuộc chiến vốn đã trải qua nhiều thế hệ.
Nổi bật nhất có lẽ phải kể đến Nintendo. Khác với các đối thủ của mình, công ty Nhật Bản này chỉ chuyên sản xuất máy chơi game với những tựa game riêng. Có thể nói Nintendo là tên tuổi “già dặn” nhất trong lãnh vực này. Nintendo “sống sót” qua những cuộc chiến của máy chơi game thế hệ đầu tiên để rồi thống trị thị trường này trong một thời gian dài với các máy “huyền thoại” như NES và SNES.
Những năm 1980, cái tên Nintendo gần như đồng nghĩa với công nghệ điện tử Nhật Bản. Trong thời gian này, Nintendo cũng làm nên lịch sử khi cho ra đời các tựa game như Mario (Ăn nấm), Donkey Kong, Zelda và Metroid. Lượng người hâm mộ đông đảo tiếp tục giúp máy Wii và máy chơi game cầm tay Nintendo DS đạt doanh số bán ra cao nhất trong cuộc chiến của thế hệ console gần đây nhất.
Tiếp đó là Sony, cũng của Nhật Bản. Dù ra đời sau Nintendo nhưng sản phẩm của Sony luôn trội hơn trong công nghệ đồ họa. Với máy chơi game rất nổi tiếng là Playstation, Sony lần đầu tiên đưa công nghệ 3D vào console. Hai thế hệ máy Playstation liên tiếp thống trị thị trường game sau thời kỳ của máy SNES. Có lẽ không ít game thủ Việt Nam đã từng say mê những tựa game dành riêng cho hệ máy này như God of war, Winning eleven, Tekken, Resident evil...
Tuy nhiên, sức mạnh về đồ họa lại trở thành điểm yếu của Playstation. Đến đời Playstation 3, giá thành quá đắt đỏ làm doanh số của Sony xuống thấp. Máy chơi game cầm tay của Sony là Playstation Portable cũng không đạt được thành công như những thế hệ trước.
Microsoft là “ông lớn” tham gia thị trường máy chơi game trễ nhất nhưng được hỗ trợ kinh nghiệm phát triển phần mềm từ Windows và với một lượng kinh phí đầu tư khổng lồ, hệ máy Xbox 360 của hãng này đã đạt doanh số đáng nể. Dù thế hệ đầu của máy Xbox không nhiều thành công nhưng phiên bản Xbox 360, ra đời song song với Wii và Playstation 4, đã đạt được sự yêu mến của giới chơi game. Microsoft biến Xbox thành máy chơi game console có tiềm năng nhất.
Thế hệ mới đầy chông gai
Thế hệ máy console mới đã bắt đầu ra mắt với tham vọng tìm cách thích ứng môi trường cạnh tranh mới. Nintendo đi đầu khi ra mắt Wii U, một máy chơi game kết hợp tay cầm có dáng dấp tương tự tablet, song song là máy Nintendo 3DS với công nghệ 3D không cần kính. Wii U và 3DS không đạt được thành công như mong đợi nhưng Nintendo vẫn còn một lượng người hâm mộ đông đảo.
Những tưởng Microsoft sẽ là kẻ tiếp theo ra mắt thế hệ máy Xbox mới nhưng bỗng dưng Sony lại chen ngang. Bằng một cách giới thiệu máy kỳ cục nhất từ trước đến giờ, hãng công nghệ Nhật Bản này chỉ cho ra mắt mỗi tay cầm điều khiển cùng một số thông tin chung chung! Nói chung, Sony vẫn sẽ tiếp tục đi theo chiến thuật chạy đua “cấu hình” như đã từng làm.
Thế hệ thứ tư của Playstation cho thấy một đỉnh cao mới của công nghệ đồ họa trong game, cộng với sự hứa hẹn của nhiều dịch vụ giải trí trực tuyến. Playstation 4 có vẻ vẫn là một ẩn số lớn. Trong khi đó, doanh thu u ám của máy chơi game cầm tay Playstation Portable Vita cho thấy một tương lai khó khăn trước sự cạnh tranh của thị trường thiết bị di động.
Trong khi đó, Microsoft vừa thông báo sẽ giới thiệu thế hệ tiếp theo của Xbox vào ngày 21-5. Cũng đi theo xu thế biến máy chơi game thành trung tâm giải trí tại gia nhưng Microsoft không những cạnh tranh với Nintendo, Sony mà còn cả Google, Apple và các hãng công nghệ khác.
Cạnh tranh cả với smarphone, tablet Không chỉ làm mưa làm gió trên thị trường máy chơi game console, 3 “ông lớn” nêu trên còn phải cạnh tranh với những xu hướng công nghệ đang đi lên khác. Sự bùng nổ của kỷ nguyên internet đã cho ra đời hàng loạt phát kiến từ mạng xã hội đến nội dung giải trí trực tuyến, hệ thống dịch vụ biến thành hệ thống phần mềm tiện ích. Sau đó là sự cạnh tranh ngày càng gay gắt từ những thiết bị khác như smartphone và tablet. |
Bình luận (0)