Các nhà khoa học cho biết sinh vật tên là Arthropleura, tồn tại khắp Trái Đất khoảng 359 đến 299 triệu năm trước, thuộc kỷ Than Đá (còn gọi là thời kỳ lá kim). Con vừa được khai quật có niên đại 326 triệu năm.
Con cuốn chiếu quái thú được bảo tồn nguyên vẹn trong khối sa thạch - Ảnh: Neil Davies
Và bất chấp độ dài tới 2,63 mét, đường kính thân khoảng 55 cm, nó thực sự là... một con cuốn chiếu, tiến sĩ Neil Davies từ Khoa Khoa học Trái Đất, Đại học Cambridge (Anh), tác giả đứng đầu nghiên cứu, khẳng định. Ông nói thêm với tờ Live Science rằng đây là một trong những động vật trên cạn lớn nhất của kỷ Than Đá.
Việc phát hiện ra hóa thạch là rất may mắn bởi khu vực bãi biển này không hề nổi tiếng với các hóa thạch nên không được các nhà cổ sinh vật học "chăm sóc" thường xuyên. Khối sa thạch dương như đã rơi xuống vách đá và nứt đúng vị trí khiến nó để lộ ra hóa thạch bên trong.
Trên thế giới chỉ có 2 hóa thạch Arthropleura từng được phát hiện trước đó, đều ở Đức, nhưng nhỏ hơn mẫu vật này nhiều và tuổi đời cũng "trẻ hơn".
Việc phát hiện ra hóa thạch còn nguyên của sinh vật chân đốt cổ đại này cũng là may mắn hiếm có bởi hầu hết hóa thạch động vật không xương sống đều được phát hiện dưới dạng các dấu chân hoặc đường mòn mà chúng để lại. Bởi các cấu trúc không phải xương đều rất dễ hư hỏng, tiêu biến theo thời gian.
Con cuốn chiếu khổng lồ này đã được khối sa thạch bọc kín một cách hết sức tình cờ, giữ được độ nguyên vẹn ngoạn mục.
Các nhà khoa học cho rằng con cuốn chiếu "quái thú" đã tiêu thụ các thực vật lớn để tồn tại, nhưng không loại trừ khả năng nó ăn cả các động vật có xương sống nhỏ khác.
Bình luận (0)