Theo Live Sicence, đó là một con khủng long cổ đại, được các nhà nghiên cứu đặt tên là "Baby Yingliang", được khai quật ở thành phố Ganzhou, phía Đông Nam Trung Quốc từ năm 2000, nhưng mãi đến năm 2015 mới bắt đầu được phân tích. Các nhà khoa học đã ngỡ ngàng khi nhận thấy nó là một báu vật.
Quái thú bé nhỏ kỷ Phấn Trắng trong trứng - Ảnh đồ họa từ nhóm nghiên cứu
Một nhóm nghiên cứu quốc tế đã cùng phân tích mẫu vật và cho biết đó là một phôi thai đã khá lớn, sắp nở, đã phát triển bộ xương hoàn chỉnh và có lông. Phôi thai hóa thạch này dài 27 cm nếu được nằm duỗi thẳng, nhưng cuộn tròn gọn gàng trong quả trứng dài 17 cm.
Sinh vật là khủng long nhưng có một số đặc điểm giống đà điểu, nằm trong tư thế cuộn tròn và mang một số đặc tính mà trước đây người ta nghĩ rằng đến thời loài chim xuất hiện mới có, theo nhà cổ sinh vật học Fion Waisum Ma từ Đại học Brimingham, thành viên nhóm nghiên cứu.
Điển hình nhất là cách con non này cuộn một cách gọn gàng và di chuyển vào vị trí tốt nhất để chuẩn bị nở trước khi chào đời, cũng tương tự cách các em bé con người quay đầu vào các tuần cuối thai kỳ. Hành vi này trước đây người ta tin rằng bắt nguồn từ loài chim, nhưng hóa ra nó có nguồn gốc xa xưa hơn nhiều - từ khủng long.
Một con oviraptorid trưởng thành bên các quả trứng đang nở - Ảnh đồ họa từ nhóm nghiên cứu
Đây được đánh giá là một trong những bộ xương khủng long tốt nhất từng được tìm thấy trong lịch sử cổ sinh vật học. Con non bên trong quả trứng hoàn hảo đến nỗi các nhà khoa học tin rằng họ có thể tái tạo chính xác hình ảnh sinh vật khi còn sống. Nhóm nghiên cứu thậm chí mô tả nó "như mới chết hôm qua".
Sinh vật được xác định là một con khủng long oviraptorid, được sinh ra vào 70 triệu năm trước, tức thuộc kỷ Phấn Trắng.
Bình luận (0)