Một nhóm nghiên cứu quốc tế do nhà thiên văn Teddy Kareta (Đại học Arizona, Mỹ) dẫn đầu đã trình bày công trình chi tiết về 3200 Phaethon tại cuộc họp thường niên lần thứ 50 của Bộ phận Khoa học hành tinh, thuộc Hiệp hội Thiên văn học Mỹ.
Ảnh đồ họa "sao chổi giả hiệu" 3200 Phaethon - ảnh: ĐẠI HỌC ARIZONA
Họ cho rằng 3200 Phaethon là một vật thể cực kỳ lập dị, từ màu xanh khó hiểu của nó cho đến quỹ đạo phức tạp. Đặc biệt, nghiên cứu xoáy sâu vào khả năng tạo mưa sao băng của nó. Mưa sao bằng thường được tạo ra khi trái đất đi qua chiếc đuôi đầy đá bụi của một sao chổi. Nhưng 3200 Phaethon… không phải là sao chổi, nó là một tiểu hành tinh.
Nhóm nghiên cứu đã giải mã được lý do khiến giới khoa học đau đầu trong nhiều năm: vì sao một vật thể không phải sao chổi có thể tạo ra mưa sao băng? Theo các tác giả, sở dĩ nó có thể làm công việc của một sao chổi là tạo ra mưa sao băng vì quỹ đạo của nó có một giai đoạn tiến rất gần mặt trời.
Tiểu hành tinh bị mặt trời đốt nóng với nhiệt độ lên tới 800 độ C, làm biến đổi cả các kim loại trên bề mặt và để lại một phần cơ thể, tạo thành một chiếc đuôi bụi và khí đốt dài. Nhờ đó, "sao chổi giả hiệu" này đem đến cho trái đất một trong những cơn mưa sao băng đẹp nhất năm.
Nghiên cứu mới này đã lật đổ các giả thuyết cũ về nguồn gốc của "viên đá không gian" kỳ lạ này. Trước đây, người ta tin rằng 3200 Phaethon là một phần của tiểu hành tinh xanh Pallas, có kích thước lớn hơn nhiều. Tuy nhiên, phân tích mới cho thấy 2 vật thể này không có mối quan hệ và vùng đá bụi cũng không do va chạm phân tách tiểu hành tinh tạo ra.
Các nhà khoa học còn nghi ngờ rằng 3200 Phaethon từng là một sao chổi thực thụ. Nhưng sao chổi đó đã chết và trải qua giai đoạn "tiểu hành tinh hóa". Màu xanh độc đáo của nó là do tiểu hành tinh này rất tối, độ phản xạ ánh sáng mặt trời cực thấp, chỉ bằng một nửa tiểu hành tinh Pallas. Chính nhờ độ sáng này mà người ta có thể bác bỏ mối quan hệ giữa chúng.
Tiểu hành tinh Phaethon 3200 được đặt theo tên vị thần mặt trời trong thần thoại Hy Lạp Helios "Phaethon", người đã kéo mặt trời lên bầu trời, vì tiểu hành tinh này có giai đoạn tiến rất gần mặt trời. Mưa sao băng Geminid do chiếc đuôi đá bụi của nó tạo ra sẽ đổ xuống trái đất vào tháng 12 hằng năm.
Bình luận (0)