Con dê thuộc tuổi Mùi, được xếp với các can Ất, Đinh, Kỷ, Tân, Quý theo âm lịch. Sinh vật học xếp dê vào họ Bovidae, thuộc loài nhai lại, chân có móng. Dê là động vật giỏi leo cao nhưng chỉ để kiếm ăn chứ không nhằm tranh giành quyền hạn. Dê hiền lành, có tính bầy đàn cao dù sống trong thiên nhiên hoang dã hay được nuôi tập trung. Đại để, lý lịch của dê khá rõ ràng, có thể nói đây là loài động vật đáng tin cậy.
Trong Hán văn, chữ Dương (con dê) được viết với lối tượng hình gồm 6 nét: 2 nét trên giương cao (tượng hình cặp sừng), 3 nét ngang (chữ Tam - tượng hình thân dê) và 1 nét sổ dọc (cột sống cùng cái đuôi). Viết như vậy là Hán văn mô tả con dê đực - đại vương khả kính của nhiều người đàn ông - bởi chỉ dê đực mới có sừng. Tuy nhiên, xin chị em đừng bực mình bởi chỉ có dê cái mới đem lại cho phụ nữ nguồn sữa tắm quý giá.
Văn minh Trung Hoa coi con dê là biểu tượng của thái bình. Họ có câu Tam dương khai thái - 3 con dê mở ra thời thái bình thịnh trị. Người Quảng Đông sùng tín con dê, lập ra hẳn một công viên để biểu dương loài này, gọi là Ngũ Dương khâu - đồi Năm Dê - ở giữa TP Quảng Châu. Thời Chiến quốc, Quảng Đông được gọi là đất Việt, phía Tây nhiều đồi núi, phía Đông là biển phèn mặn nên sản xuất nông nghiệp không đủ ăn. Trời thương dân Quảng Đông nghèo túng, ban cho 5 con dê xuống trần để họ gầy giống chăn nuôi, phát triển kinh tế. Nhờ vậy mà Quảng Đông khá lên và Ngũ Dương khâu ra đời.
Trong văn hóa Việt Nam, con dê hiện ra như một loài động vật hữu ích và dễ thương, đặc biệt xứng đáng để đàn ông kính trọng và... học hỏi. Đầu tiên là câu hát ru em dịu dàng, nội dung tuy tức cười nhưng tình ý thì quá đỗi thắm thiết: Ru em buồn ngủ buồn nghê/ Con tằm chín đỏ, con dê chín mùi. Thịt dê là một thứ thực phẩm ngon lành, bổ dưỡng mà hình như toàn thể đàn ông (và cả phụ nữ) đều tin tưởng. Các món lẩu dê, dê hầm thuốc bắc hay vú dê nướng được coi là tráng dương bổ thận, đến nỗi nhiều quý ông bị vợ ép phải ăn.
Thịt dê chấm với tương gừng/ Ăn vô mấy miếng phừng phừng như dê - thơ tiếu lâm đời mới khẳng định. Tuy nhiên, tình hình phừng phừng ấy lại được tin cậy hơn cả ở “bộ thầy” của dê đực. “Bộ thầy” gồm 2 hòn ngoại thận và dương vật của chàng dê, được dân gian tin là có giá trị tích cực trong việc phục vụ chăn gối của đàn ông. Chẳng vậy mà có nhiều người đàn ông “yếu pin” thường xúi giục vợ mình ra chợ lùng mua cho kỳ được “bộ thầy”, đem về ướp, tẩm, sao rồi ngâm rượu làm thuốc.
Người ta xếp “bộ thầy” vào danh mục y học... dân dã, xem ra còn tốt hơn cả thuốc của tây, tàu. Nhiều phụ nữ thương chồng, tiếc ngẩn ngơ vì mỗi con dê đực chỉ có một bộ nên hay than vãn: Mỗi con chỉ một “bộ thầy”/ Nếu được... 2 bộ mua ngay cho chồng/ Thuốc tây, thuốc bắc, thuốc đông/ Uống nhầm bị liệt khuê phòng lạnh tanh.
Nói đến con dê, tôi lại nghĩ tới sự nghiệp chăn dê. Có lẽ Bùi Giáng là nhà thơ đầu tiên đi chăn dê và đưa hình ảnh con dê vào thi ca của ông. Sau khi vợ mất cuối năm 1950, Bùi Giáng đã “thỉnh” một bầy dê, cùng chúng rong chơi trên núi rừng Quảng Nam. Tôi xin nhấn mạnh Bùi Giáng chỉ chăn dê chứ không chăn bò, dù thơ ông có viết Anh lùa bò về đồi sim trái chín/ Cho bò ăn cỏ giữa rừng sim. Điều này được người trong gia đình ông xác nhận. Chẳng qua Bùi Giáng rất giàu tưởng tượng, từng viết Xưa kia châu chấu mang tên chuồn chuồn, nên việc ông xem dê là bò thì cũng bình thường.
Tôi đã đi điền dã, tìm lại nơi chăn dê của Bùi Giáng. Đó là vùng núi rừng kéo dài từ đỉnh đèo Le, huyện Quế Sơn chạy dọc bờ Nam sông Thu qua khỏi huyện Nông Sơn và chấm dứt ở Khe Rinh, Phường Rạnh ở huyện Duy Xuyên. Ông có hẳn một tập thơ mượn hình ảnh... phân dê rớt ra với cái tựa hết sức lãng mạn: Ngàn thu rớt hột! Thơ ông gọi dê là “em” và đưa tiếng dê kêu vào như một thứ âm thanh thân thiết: Nhìn anh đây, các em vàng, đen, trắng/ Tím hoa cà lổ đổ thấu lòng chưa/ Từ từ đưa chiếc vòng lên thủng thẳng/ Anh từ từ đưa xuống cổ đong đưa/ Và từ đây, một lời thề đã thốt/ Ngàn thu sau đồi núi chứng cho ta/ Cao lời ca bê bê em cùng hát/ Rập ràng về, bê hế rập ràng ca. Năm 1952, Bùi Giáng gửi bầy dê lại cho... chuồn chuồn và châu chấu, vào miền Nam rong chơi và làm thơ.
Năm Mùi, tôi lại nhớ chuyện... Bùi Kiệm. Ai cũng biết Bùi Kiệm bị cụ Đồ Chiểu gọi là người có chứng “máu dê” khi anh ta tán tỉnh Kiều Nguyệt Nga - người yêu của Lục Vân Tiên. Xét ra, Bùi Kiệm chỉ có cái lỗi là học dốt và mê gái. Anh ta chưa làm gì xâm hại đến tiết hạnh và thân thể Kiều Nguyệt Nga cả. Còn tán tỉnh mấy câu thì luật hình sự xưa nay không quy định là phạm tội mà cũng chưa đến nỗi bị xử phạt hành chính.
Đời nay, có nhiều kẻ dê xối xả, bị người ta gọi là “thằng Bùi Kiệm”. Nói vậy thì thật oan cho Bùi Kiệm. Xét ra, Bùi Kiệm còn đứng đắn hơn nhiều tay đòi hối lộ tình dục ngày nay.
Bình luận (0)