Các nhà nghiên cứu đến từ Đại học Temple (Mỹ) đã khảo sát tình hình dùng mạng xã hội của 750 người thuộc 3 nhóm tuổi: 18-29, 30-49 và 50 trở lên. Kết quả cho thấy các mạng xã hội đem lại một thế giới tươi vui và hạnh phúc cho nhóm tuổi 18-29, miễn là họ không quá lạm dụng.
Thế nhưng, tình hình thay đổi khi họ bước sang tuổi 30. Những người sống ảo lại là những người có đời sống tâm ý bất ổn nhất. Các nhà khoa học phát hiện những người trên 30 càng sống ảo, nguy cơ và biểu hiện của chứng trầm cảm và rối loạn lo âu càng tăng. Điều này tồi tệ nhất ở nhóm tuổi trung niên, đặc biệt là nhóm người đang bị "khủng hoảng tuổi trung niên".
Mạng xã hội có thể gây ra trầm cảm, rối loạn lo âu ở nhóm tuổi trên 30 - ảnh: SHUTTERSTOCK
Ở 2 nhóm tuổi này, có khá nhiều báo cáo y khoa về sức khỏe tâm thần ở những người ghiền mạng xã hội.
Các nhà khoa học đã phân tích để tìm ra nguyên nhân. Thứ nhất, có vẻ như nhóm tuổi trẻ hơn lớn lên với mạng xã hội nên dễ thích nghi với không gian "sống ảo" hơn.
Thứ hai, thế giới màu sắc khi "sống ảo" có vẻ phù hợp hơn với tuổi trẻ. Lứa tuổi lớn hơn phần nào không có cuộc sống sôi động như những năm đôi mươi. Đôi khi họ so sánh giữa cuộc sống nhiều lo toan, căng thẳng của mình với cuộc sống vô lo của các thanh niên và tự cảm thấy không thoải mái. Một số người lại so sánh mình với những bạn lâu năm tình cờ được kết nối lại trên mạng, nhìn vào sự hạnh phúc, thành công hơn của họ và tự nhận xét tiêu cực về bản thân mình.
Thứ ba, lý do các nhóm tuổi tìm đến mạng xã hội có phần khác nhau: nhóm trẻ đến với không gian ảo như lẽ tự nhiên, còn những người lớn hơn thường tìm đến mạng xã hội khi cảm thấy thiếu vắng trong những mối quan hệ thực tế. Vì vậy, càng "sống ảo", họ càng thấy cô đơn.
"Vì hầu hết mọi người đều tự giới thiệu về mình nên những so sánh trên không gian ảo thường là không thực tế. Phụ thuộc vào nó có thể khiến bạn cảm thấy giảm giá trị bản thân" – tiến sĩ Bruce Hardy, tác giả chính của nghiên cứu, khuyến cáo.
Ông cũng lưu ý vì sau tuổi 30, người ta thường đạt được những thành công nhất định nên đôi khi cố mượn mạng xã hội để tự khẳng định. Tuy nhiên, điều đó sẽ gây tác dụng ngược khi bắt gặp một ai đó vượt trội hơn. "Sống ảo" chỉ để kết nối và để xả stress như giới trẻ có vẻ lại là chìa khóa tốt để vui và hạnh phúc khi sử dụng mạng xã hội.
Bình luận (0)