Trong bài báo vừa được công bố trên tạp chí khoa học American Journal of Epidemiology, nhóm khoa học gia đến từ Đại học Y khoa Nara (Nhật Bản) cho biết chỉ cần một mức ánh sáng cực thấp vào ban đêm cũng làm gián đoạn chu kỳ ngủ - thức theo cách mà chính bản thân bạn cũng không nhận thức rõ ràng.
Các nhà khoa học khuyên nên tắt hẳn mọi loại ánh sáng khi đi ngủ - ảnh minh họa từ Internet
Tuy vậy, nó đã đủ để bạn có giấc ngủ kém và gia tăng nhiều nguy cơ, trong đó lớn nhất là trầm cảm.
Các nhà khoa học đã theo dõi 900 người lớn tuổi trong suốt 2 năm, ghi nhận về cách họ sử dụng ánh sáng trong phòng ngủ và đánh giá nguy cơ phát triển trầm cảm dựa trên diễn biến tâm lý của họ. Các yếu tố có thể ảnh hưởng đến sự đánh giá như thói quen hút thuốc, uống rượu, mức thu nhập, bệnh lý huyết áp, tiểu đường, mức hoạt động thể chất, việc sử dụng thuốc men… cũng được ghi nhận và cân đối.
Mức ánh sáng được đo bằng đơn vị lux. Ánh sáng mặt trời ban ngày có mức khoảng 10.000 đến 25.000 lux, trong khi đó, các loại đèn ngủ chỉ có độ chiếu sáng khoảng 50 lux.
Chỉ có 150 trong số 900 người có phòng ngủ sáng hơn 5 lux, tức bằng 1/10 chiếc đèn ngủ thông dụng, nhưng điều đó cũng đủ để họ gia tăng nguy cơ phát triển bệnh trầm cảm đến… 65% trong vòng 2 năm, so với nhóm ngủ trong phòng tối.
Đa số những người ngủ trong phòng có ánh sáng dành nhiều thời gian hơn trên giường, tuy nhiên do chất lượng giấc ngủ kém hẳn nên nó không giúp họ nhiều như vài giờ nằm trong phòng tối.
Để giải quyết vấn đề, rất đơn giản: các nhà khoa học khuyên bạn hãy tắt đèn ngủ, ti vi, máy tính bảng… hoàn toàn trước khi đi ngủ.
Bình luận (0)