Nghiên cứu được thực hiện bởi nhóm khoa học gia dẫn đầu bởi Viện Bách khoa Paris - Pháp, cùng sự cộng tác của Đại học Tự do Berlin (Đức), Đại học Oxford (Anh), Viện Hàn lâm Khoa học Nga và Đại học Osaka (Nhật Bản).
Họ đã tái tạo trong phòng thí nghiệm mô hình của một phần đám mây phân tử sinh ra hệ Mặt Trời.
Mặt Trời và các hành tinh bao gồm Trái Đất được sinh ra từ vụ nổ siêu tân tinh chết chóc - Ảnh: DAILY MAIL
Theo Science Daily, các đám mây phân tử như thế trong vũ trụ chứa các khối xây dựng nên các ngôi sao và hành tinh, tuy nhiên chúng sẽ giữa trạng thái cân bằng và "hòa bình" mãi mãi nếu không có điều gì xảy ra.
Các nhà nghiên cứu đã sử dụng một quả bóng bọt đặc biệt mang tính chất của một khu vực dày đặc trong đám mây phân tử. Một tia laser công suất cao gửi một sóng bùng nổ truyền qua một buồng khí và đến với quả bóng bọt. Cả quá trình được quan sát bằng hình ảnh tia X.
Kết quả cho thấy, chính vụ bùng nổ gây ra bởi tia laser, mang đầy đủ tính chất của thứ gọi là "siêu tân tinh" đã khiến khí và bụi tụ lại và bắt đầu quay ở nơi có "mầm" của một ngôi sao, khiến nó dần chuyển từ trạng thái tiền sao sang một ngôi sao thực sự. Một đĩa tiền hành tinh bắt đầu hình thành quanh nó.
Tờ Daily Mail dẫn lời nhà vật lý thiên văn Bruno Albertazzi, thành viên nhóm nghiên cứu, cho biết đám mây phân tử nguyên thủy của chúng ta, nơi Mặt Trời, Trái Đất và tất cả các hành tinh anh em khác được hình thành, cũng đã xảy ra sự kiện y hệt vậy.
Siêu tân tinh là cái chết rực rỡ của một ngôi sao lớn và mạnh mẽ, thường xảy ra như cái chết thứ 2 sau lần sụp đổ đầu tiên thành sao lùn trắng. Nhưng cái chết thảm khốc đó lại tạo ra một "sự sống mới" cho đám mây phân tử nó trú ngụ.
Vụ nổ siêu tân tinh tạo ra sóng xung kích cực lớn, đủ mạnh sinh ra hạt nhân nguyên tử mới, tạo áp suất khổng lồ đến vật chất của đám mây phân tử và kích thích mọi thứ dồn nén lại với nhau. Phản ứng mạnh mẽ đó đã kích hoạt nhiều cơ chế quan trọng cho sự ra đời của một hệ sao.
Nghiên cứu vừa công bố trên tạp chí Matter and Radiation at Extremes.
Bình luận (0)