Mong muốn góp sức cho khoa học nước nhà, năm 2008, từ Pháp, GS Trần Thanh Vân, Chủ tịch Hội Gặp gỡ Việt Nam (GGVN) và GS Lê Kim Ngọc, Chủ tịch Hội Bảo trợ trẻ em Việt Nam, mang 2 triệu USD dành dụm được để về nước thực hiện ý tưởng xây dựng Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành (ICISE). Họ đã đi nhiều nơi, làm việc với lãnh đạo nhiều địa phương trong nước và chọn khu vực Quy Hòa (thuộc TP Quy Nhơn, Bình Định) để triển khai dự án.
TẤM LÒNG HỌ ĐÃ THUYẾT PHỤC CHÚNG TÔI. - "Chúng tôi đã khảo sát 7 thành phố ven biển miền Trung. Giữa năm 2008, tôi gặp ông Vũ Hoàng Hà, Bí thư Tỉnh ủy Bình Định. Ông Hà và các lãnh đạo địa phương "đất võ, trời văn" thể hiện quyết tâm giữ chân chúng tôi bằng mọi giá, thậm chí còn nói nếu cần thiết sẽ nhường trụ sở chính quyền cho tôi làm trung tâm khoa học. Tấm lòng của lãnh đạo tỉnh đã thuyết phục được chúng tôi quyết định dừng chân ở Quy Hòa" - GS Trần Thanh Vân nhớ lại.
Không lâu sau đó, dự án ICISE được UBND tỉnh Bình Định cho thuê hơn 20 ha đất bên bờ biển Quy Hòa để triển khai. Cuối năm 2011, Hội GGVN khởi công xây dựng ICISE và gần 2 năm sau, công trình được đưa vào sử dụng.
Lấy ICISE làm "hạt nhân", tháng 7-2015, tỉnh Bình Định và Hội GGVN khởi công tiếp Tổ hợp không gian khoa học đến tháng 8-2018 là khách sạn "Vì Khoa học".
Vợ chồng GS Trần Thanh Vân - GS Lê Kim Ngọc trong lần gặp Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ở TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định
Từ đó đến nay, tại ICISE đã diễn ra hơn 60 hội nghị khoa học quốc tế với sự tham dự của khoảng 5.500 nhà khoa học; trong đó có 12 người đoạt giải Nobel, 2 giải Fields (được coi là giải Nobel trong toán học), 2 giải Kavli (giải thưởng cao nhất ở lĩnh vực thiên văn học) và 1 giải thưởng vật lý Dirac (giải thưởng danh giá nhất trong ngành vật lý lý thuyết)… Cùng với đó, một nội dung khác được chăm chút là những khóa học chuyên đề cho sinh viên, các buổi thuyết trình khoa học đại chúng, giao lưu trực tuyến, trực tiếp với các giáo sư đoạt giải Nobel.
Thông qua ICISE, rất nhiều nhà khoa học gốc Việt trên thế giới đã về lại đất nước để đóng góp công sức, trí tuệ. Qua đó, họ nhận đào tạo, giúp đỡ hàng trăm sinh viên Việt Nam qua nước ngoài học tập, theo đuổi đam mê nghiên cứu khoa học.
Sau nhiều năm đồng hành với GGVN tại ICISE, TS Vật lý thiên văn Nguyễn Trọng Hiền - Viện Khoa học Công nghệ California, Cơ quan Hàng không và Không gian Mỹ - khẳng định: "Không chỉ tạo được bầu không khí học thuật sôi nổi nhất thời, vợ chồng GS Trần Thanh Vân còn mang ước vọng làm được điều lâu dài cho giáo dục khoa học Việt Nam. Điều đó nay đã thành sự thật khi ICISE hình thành và đóng vai trò hạt nhân cho các sinh hoạt giáo dục khoa học đại chúng tại đây". "Việc xây dựng ICISE là cả một quá trình ấp ủ hàng chục năm của tôi. Chúng tôi luôn tâm niệm nhà khoa học phải có sứ mệnh, bổn phận đưa khoa học đến công chúng, làm cho tương lai có những phát triển khoa học hay hơn, tốt hơn. Chính vì vậy, tôi mới đưa ra ý tưởng xây trung tâm khám phá khoa học để chuyển tình yêu, ngọn lửa khoa học của chúng tôi đến với thế hệ trẻ của Việt Nam" - GS Trần Thanh Vân chia sẻ.
ĐỘT PHÁ, MONG CHÍNH SÁCH ĐẶC THÙ. - Từ điểm nhấn ICISE, tỉnh Bình Định tiếp tục quy hoạch và xây dựng TP Quy Nhơn trở thành khu đô thị khoa học với định hướng trở thành hạt nhân thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và khu vực. Cuối tháng 8-2018, tại Khu đô thị Khoa học và Giáo dục Quy Hòa, Công ty TNHH Giải pháp phần mềm Tường Minh Bình Định (thuộc Công ty TMA Solutions - TP HCM) đã khởi công xây dựng dự án Công viên sáng tạo TMA (TMA Innovation Park) trên diện tích hơn 15 ha, tổng vốn đầu tư khoảng 8 triệu USD. Dự án sẽ đi vào hoạt động sau 3 năm xây dựng và sau 15 năm hoạt động, dự kiến thu hút khoảng 3.000 nhân lực lao động tri thức, chất lượng cao.
"Với Thung lũng Sáng tạo Quy Nhơn đang hình thành, các bạn trẻ Bình Định có cơ hội để làm việc ngay tại quê hương và đóng góp cho sự phát triển của công nghệ cao tại miền Trung. Công viên Sáng tạo TMA sẽ giúp thu hút thêm nhiều nhà đầu tư lĩnh vực này vào Khu đô thị Khoa học và Giáo dục Quy Hòa, biến nơi đây trở thành một khu đô thị khoa học và giáo dục hàng đầu" - TS Nguyễn Hữu Lệ, Chủ tịch HĐQT TMA Solutions, cho biết.
Theo GS Trần Thanh Vân, thời gian tới, Trung tâm Khám phá khoa học sẽ tiếp tục xây dựng hạng mục Đài quan sát thiên văn phổ thông. Hội GGVN đã lên kế hoạch, tư vấn để Trung tâm Khám phá khoa học mua và đưa nhà chiếu hình vũ trụ di động (dạng bơm hơi) về vùng nông thôn nhằm tạo điều kiện cho trẻ em ở đó có điều kiện tiếp cận khoa học, khơi gợi niềm đam mê khám phá và tình yêu khoa học. Về phía ICISE, công trình khách sạn Vì Khoa học đang được triển khai để từng bước hoàn thiện quần thể các hạng mục tại ICISE, phục vụ tốt hơn cho các hội thảo, hội nghị quốc tế và các hoạt động khoa học và công nghệ khác tại khu đô thị.
"Chúng tôi mơ một ngày nào đó Quy Nhơn trở thành một TP tinh hoa về khoa học và công nghệ như TP Princeton của Mỹ. Dù mơ ước này còn xa vời nhưng chúng ta có tiềm năng để xây dựng giấc mơ thành hiện thực" - GS Trần Thanh Vân bày tỏ.
Ngoài Khu đô thị Khoa học Quy Hòa có diện tích 242 ha, Bình Định còn quy hoạch và xây dựng Trung tâm Trí tuệ nhân tạo Long Vân có diện tích 110 ha, với định hướng trở thành hạt nhân thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và khu vực.
Tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Bình Định mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết đất nước phát triển thì không thể không có khoa học. ICISE đã có những ý tưởng nghiên cứu khoa học cơ bản rất tốt, giúp Quy Nhơn là TP nhỏ của Việt Nam nhưng đã có hàng ngàn nhà khoa học đến đây và đặc biệt là đã quy tụ được hàng chục nhà khoa học đoạt giải Nobel.
"Thành phố khoa học ở Việt Nam chưa có nhưng Bình Định đi trước một bước là mạnh dạn, là đột phá lớn. Chính phủ sẵn sàng xử lý chính sách đặc thù trong nghiên cứu khoa học ở Việt Nam nói chung và ở Bình Định nói riêng trên cơ sở những đề xuất cụ thể" - Thủ tướng nhấn mạnh.
Theo ông Hồ Quốc Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, để dự án TP khoa học đầu tiên trong cả nước sớm được triển khai xây dựng, mong Chính phủ và các bộ ngành quan tâm sớm thông qua đề án và chính sách ưu đãi đặc biệt cho khu đô thị này. Đồng thời cho cơ chế, chính sách để hình thành một số doanh nghiệp, viện nghiên cứu, trường đại học, trung tâm trí tuệ nhân tạo để nơi đây thực sự trở thành điểm đến của các nhà khoa học trên thế giới.
"Chúng tôi mơ một ngày nào đó Quy Nhơn trở thành một thành phố tinh hoa về khoa học và công nghệ như Princeton (Mỹ)".
GS Trần Thanh Vân
Bình luận (0)