Nước thải chưa xử lý xả thẳng ra môi trường ở một KCN tại ĐBSCL Ảnh: NGỌC TRINH
Chế biến thủy sản: “Gương mặt đen”
Báo cáo của Bộ Khoa học - Công nghệ cho biết tính đến thời điểm này, toàn vùng ĐBSCL có 120 KCN-CCN được quy hoạch với diện tích 26.511 ha. Các ngành công nghiệp chính thuộc các KCN-CCN của ĐBSCL gồm: chế biến thủy sản xuất khẩu, chế biến rau quả và xay xát lương thực.
Chế biến thủy sản là ngành công nghiệp mũi nhọn, luôn chiếm tỉ trọng và tốc độ tăng trưởng cao nhất trong cơ cấu công nghiệp của vùng ĐBSCL. Tuy nhiên, đây cũng là “gương mặt” đứng đầu danh sách các ngành công nghiệp xả nước thải gây ô nhiễm môi trường trầm trọng.
Ông Trần Thanh Phong, Cục Công tác phía Nam Bộ Khoa học - Công nghệ, phân tích: “Nước thải từ quy trình chế biến thủy sản chứa các chất béo, cacbonhydrat, protein. Các chất này khi xả vào nguồn nước sẽ làm giảm sự tiếp xúc của nước thải với không khí, từ đó làm giảm nồng độ ôxy hòa tan trong nước, dẫn đến tình trạng nước bị ô nhiễm với dấu hiệu đặc trưng là đục và có màu. Loại nước thải này khi xả ra sẽ gây ô nhiễm nguồn tiếp nhận ngay”.
Đứng thứ hai trong danh sách xả nước thải gây ô nhiễm môi trường vùng ĐBSCL là ngành công nghiệp chế biến rau quả. “Quá trình chế biến rau quả thải ra nguồn nước một lượng lớn phụ gia thực phẩm cùng với muối. Vì thế, nước thải từ quá trình chế biến thủy sản và rau quả cần được thu gom, xử lý triệt để tại trạm xử lý tập trung của các KCX-KCN trước khi xả trực tiếp vào nguồn tiếp nhận” - ông Phong đề nghị.
Đánh giá tác động môi trường thiếu thực tế
Theo ông Phạm Đình Đôn, Chi cục trưởng Chi cục Môi trường Tây Nam Bộ thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường, thực trạng công tác bảo vệ môi trường tại các KCN-CCN vùng ĐBSCL chưa tốt là do các tỉnh, thành trong vùng phát triển KCN-CNN không theo quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế và xã hội toàn vùng.
“Một số dự án có trình độ công nghệ lạc hậu nhưng vẫn tiếp tục được đưa vào sản xuất, gây ô nhiễm môi trường kéo dài. Đây là tồn tại rất khó giải quyết” - ông Đôn lo ngại.
Một số chuyên gia trong và ngoài nước cũng cho rằng công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát thực thi pháp luật về bảo vệ môi trường đối với các KCN-CCN ở nước ta thực hiện chưa tốt. Nhiều chủ đầu tư dự án chưa tuân thủ đầy đủ các quy định của cơ quan chức năng về bảo vệ môi trường.
“Các chủ đầu tư này báo cáo đánh giá tác động môi trường còn mang tính thủ tục, không sát thực tế để tạo thuận lợi cho họ” - một chuyên gia nhìn nhận.
Từ những mổ xẻ nêu trên, các đại biểu đề xuất cần áp dụng nhiều giải pháp để giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường vốn đang khiến các cơ quan chức năng ở ĐBSCL đau đầu. Trong đó, giải pháp căn cơ là xây dựng tiêu chí chặt chẽ về các phân khu chức năng của sản xuất và kết cấu hạ tầng đầu tư cho bảo vệ môi trường đối với KCN-CCN được quy hoạch.
Xả 47 triệu lít nước bẩn mỗi năm Theo báo cáo về quản lý môi trường tại các tỉnh, thành phố ĐBSCL, những doanh nghiệp thuộc các KCX-KCN đã xả trung bình 47 triệu lít nước thải và 220.000 tấn chất thải rắn chưa qua xử lý mỗi năm. Trong đó, chất thải rắn nguy hại chiếm 2.000-3.000 tấn. Số liệu thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho thấy tỉ lệ các KCN-CCN vùng ĐBSCL chưa có trạm xử lý nước thải tập trung chiếm 44%. Bên cạnh đó, nhiều KCN đã đi vào hoạt động nhưng chưa triển khai xây dựng hệ thống xử lý nước thải cục bộ hoặc có mà không vận hành, vận hành không hiệu quả hay xuống cấp. |
Bình luận (0)