Ngày 10-12, hội thảo tham vấn cuối cùng lấy ý kiến của các tỉnh ĐBSCL về kế hoạch ĐBSCL (MDP) tầm nhìn dài hạn do Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ chủ trì đã diễn ra tại TP Cần Thơ. Kế hoạch này do các chuyên gia Hà Lan thực hiện nhằm phát triển toàn diện kinh tế - xã hội ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH) và nước biển dâng.
Báo động tình trạng di cư
Ông Martin van de Groep, chuyên gia kỹ thuật Hà Lan, cho biết: MDP được xây dựng theo 4 kịch bản, gồm: an ninh lương thực, công nghiệp hóa nông nghiệp, công nghiệp hóa hành lang kinh tế, công nghiệp hóa nút kép. Trong đó, kịch bản công nghiệp hóa nông nghiệp khả thi nhất vì sẽ phát triển ĐBSCL thành vùng chuyên môn hóa về nông nghiệp giá trị cao và sản phẩm thực phẩm nông nghiệp phục vụ cho thị trường trong nước và xuất khẩu.
Ông Nguyễn Thanh Nguyên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An, phân tích: “Kịch bản đề cập việc dân số ĐBSCL sẽ giảm 40% vào năm 2100 hoàn toàn có thể xảy ra. Tại ĐBSCL đang diễn ra hiện trạng di dân về các tỉnh kinh tế trọng điểm như: TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai…”.
Nguyên nhân, theo ông Nguyên, là do làm lúa thì nông dân luôn nghèo. Nhà nông phải tích tụ ruộng đất từ 3-5 ha mới mong làm giàu từ cây lúa nhưng hiện nay, đa phần nông dân đều chỉ có 1 ha. “Ruộng không “đẻ” ra nhưng con cái nhà nông ngày càng sinh ra thêm nên ruộng đất bị chia nhỏ. Vì vậy, những đứa con này phải di chuyển đến vùng khác làm công nhân” - ông Nguyên nói.
Các đại biểu lưu ý nếu chọn kịch bản an ninh lương thực sẽ vô hình trung gây áp lực cho nông dân ĐBSCL vì phải giữ đất ruộng. Hậu quả dẫn đến cấu trúc nền kinh tế vẫn duy trì ở cơ cấu nông nghiệp là chủ yếu, với tăng trưởng GDP tụt xa so với trung bình cả nước.
Thích ứng với biến đổi
Trong khi đó, kịch bản công nghiệp hóa nông nghiệp được các đại biểu đánh giá là lựa chọn tối ưu cho ĐBSCL trong tương lai và phù hợp với kế hoạch phát triển tổng thể kinh tế - xã hội vùng ĐBSCL mà Thủ tướng đã phê duyệt vào năm 2012.
Ông Trương Văn Sáu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long, lưu ý các kịch bản chưa đề cập những vấn đề đang diễn ra tại ĐBSCL như đất mất màu mỡ, nhiều dịch bệnh xuất hiện...
Một trong những điểm yếu của ĐBSCL được các chuyên gia của Hà Lan chỉ ra là thiếu cơ sở hạ tầng và liên kết giao thông vận tải kém, dẫn đến chi phí vận chuyển cao. Vì vậy, ông Trần Ngọc Tam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, cho rằng trung ương cần bố trí vốn để xây dựng công trình giao thông trọng điểm cho ĐBSCL và vùng giao thông này phải gắn kết với nhau.
Ngoài ra, ông Trương Văn Sáu gợi ý: “Muốn đánh thức tiềm năng ĐBSCL từ kịch bản đã nêu, thứ nhất phải có cơ quan điều phối mạnh, thứ hai là thể chế đặc thù và cuối cùng là có nguồn tài chính độc lập”.
Không được đóng cửa sông Theo ông Martin van de Groep, dòng sông cần được mở ra biển, những cửa sông tự nhiên sẽ làm giảm quá trình nhiễm mặn khiến biển không đi sâu vào đất liền, là cơ hội nuôi trồng thủy sản. Do đó, trong phiên bản MDP lần này đã bỏ giải pháp đóng cửa sông tại ĐBSCL.
Trong tuần sau, phía Hà Lan sẽ trình MDP lên Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải xem xét và dự kiến đến tháng 4 hoặc tháng 5-2014 sẽ tổ chức cuộc họp để công bố thực hiện. |
Bình luận (0)