Kết quả định vị tại TP HCM trên công cụ của Date and Time cho thấy mưa sao băng Leonids sẽ quan sát dễ dàng nhất vào khoảng thời gian gần nửa đêm 17 cho đến rạng sáng ngày 18. Nó sẽ xuất hiện ở hướng Đông Đông Bắc và trông như phát ra từ chòm sao Leo (Sư Tử). Đó chính là lý do nó được đặt tên "Leonids".
Chòm sao Leo tạo nên hình một chú sư tử trên trời đêm, và trận mưa sao băng như xuất phát từ trên lưng của chú (điểm màu cam) - Ảnh: EARTHSKY
Tuy vậy, "mẹ" thực sự của mưa sao băng Leonids là một sao chổi mang tên 55P/Tempel-Tuttle. Tên gọi này xuất phát từ tên 2 nhà thiên văn vô tình cùng phát hiện ra nó, chỉ cách nhau ít ngày. Đó là Ernst Tempel (phát hiện ngày 19-12-1865) và Horace Tuttle Parnell (6-1-1966).
Sao chổi này quay quanh mặt trời, mỗi 33 năm Trái Đất sẽ quay hết một vòng. Trên đường đi, nó để lại một chiếc đuôi đầy đá bụi. Mưa sao băng Leonids xuất hiện mỗi khi hành tinh của chúng ta vô tình đi cắt ngang chiếc đuôi đá bụi đó trên quỹ đạo.
Mưa sao băng Leonids - Ảnh: EPA
Mưa sao băng Leonids năm nay được đánh giá là thuận lợi để quan sát, bởi còn khá xa ngày trăng tròn. Mặt trăng thường là thiên thể sáng nhất bầu trời đêm Trái Đất, nên ánh trăng những ngày rằm có thể lấn át hầu hết các vật thể không gian khác.
Leonids đã bắt đầu "mưa" từ đầu tháng 11. Tùy vào vùng địa lý, đêm cực đỉnh sẽ rơi vào ngày 16-17 hoặc 17-18 trong cùng tháng, sau đó giảm dần vào các đêm sau rồi biến mất.
Trong đêm cực đỉnh này, có khoảng 15 ngôi sao băng sẽ rơi xuống mỗi giờ. Bạn cần tìm một nơi quang đãng, không bị quấy nhiễu bởi ánh sáng nhân tạo, để mắt mình quen với bóng tối bằng cách tránh xa đèn và các loại mành hình khoảng 15-20 phút.
Bình luận (0)