Ngoài các trở ngại về kỹ thuật, môi trường không gian khắc nghiệt, các cuộc du hành vũ trụ trong tương lai sẽ phải đối phó với họ hàng virus herpes, theo các chuyên gia đến từ NASA.
Một phi hành gia trên Trạm Vũ trụ Quốc tế ISS - ảnh: NASA
Theo 1 nghiên cứu trên tạp chí khoa học Frontiers in Microbiology, một nhóm khoa học gia của NASA cho biết virus herpes từ lâu "ngủ đông" trong cơ thể đã tái hoạt động trên hơn một nửa phi hành đoàn làm nhiệm vụ trên các tàu con thoi và Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS).
Mặc dù chỉ một tỉ lệ nhỏ người mang virus tái hoạt động xuất hiện các triệu chứng bệnh nhưng nghiên cứu cho thấy tốc độ, mức độ và tỉ lệ tái hoạt động của virus sẽ tăng theo thời gian. Nếu trong tương lai, con người bước vào các nhiệm vụ không gian dài hạn hơn như thám hiểm Sao Hỏa và các hành tinh xa xôi khác, chúng đủ gây các rủi ro sức khỏe đáng kể cho phi hành gia.
4 trong số 8 loại virus herpes được biết đến ở người đã được phát hiện. Chúng bao gồm các chủng herpes gây bệnh lây truyền qua đường tình dục (HSV), các chủng gây thủy đậu và zona (VZV), CMV và EBV gây các dạng bệnh tăng bạch cầu đơn nhân (còn gọi là "bệnh hôn" – "kissing diease).
Tiến sĩ Satish K. Meht - đến từ Trung tâm Vũ trụ Johnson thuộc NASA, thành viên nhóm nghiên cứu - lý giải cho sự tái hoạt động của các virus herpes: "Các phi hành gia của NASA chịu đựng hàng tuần, thậm chí hàng tháng tiếp xúc với bức xạ vi trọng lực và vũ trụ, trọng lực G cực đoan khi cất cánh và tái nhập cảnh. Thử thách thể chất này kết hợp với các yếu tố gây căng thẳng quen thuộc như tách biệt xã hội, tình trạng "giam cầm", thay đổi chu kỳ giấc ngủ. Sự gia tăng các hormone gây căng thẳng như cortisol và adrenalin được biết đến là có tác dụng ức chế hệ thống miễn dịch."
Họ cũng tìm tháy bằng chứng trực tiếp là sự hoạt động kém hiệu quả của các tế bào miễn dịch chịu trách nhiệm ức chế và loại bỏ virus khi kiểm tra mẫu máu của các phi hành gia. Tình trạng này kéo dài suốt chuyến bay lên không gian và thậm chí là đến 60 ngày sau khi về trái đất. Họ còn được xét nghiệm mẫu nước bọt và nước tiểu để phân tích rõ hơn các thay đổi diễn ra thầm lặng trong cơ thể.
Theo tiến sĩ Mehta, các phát hiện trên cho thấy rất cần phát triển các biện pháp đối phó với herpes trong các nhiệm vụ không gian tiếp theo. Tiêm vắc-xin trước khi lên đường là biện pháp hữu hiệu nhưng trên thế giới hiện nay chỉ sẵn có vắc-xin cho chủng VZV – chính là vắc-xin ngừa thủy đậu. Với nhóm gây bệnh tình dục, "bệnh hôn"…, các chuyên gia sẽ phải tiếp tục tìm cách đối phó.
Nghiên cứu cũng cung cấp ý tưởng cho các phác đồ phát hiện bệnh mới sớm và hiệu quả hơn cho các bệnh nhân trên trái đất. Chỉ cần đưa mẫu nước bọt bệnh nhân vào môi trường mô phỏng môi trường vũ trụ, virus sẽ nhanh chóng bị nhận diện.
Bình luận (0)