Đáp ứng nhu cầu sử dụng vệ tinh đến năm 2020
VINASAT 2 có công suất lớn hơn, trọng lượng lớn hơn, số bộ phát đáp nhiều hơn, do đó có dung lượng băng tần nhiều hơn so với VINASAT 1. VINASAT 2 có 30 bộ phát đáp băng tần Ku (VINASAT 1 chỉ có 20 bộ phát đáp). Trong khi VINASAT 1 chỉ có 12 bộ băng tần Ku thì toàn bộ 24 bộ phát đáp của VINASAT 2 đều ở băng tần Ku. VINASAT 2 chú trọng vào băng tần Ku vì lượng khách hàng có nhu cầu sử dụng băng tần này nhiều hơn.
Ông Phan Hoàng Đức, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), cho biết VINASAT 2 kết hợp với VINASAT 1 sẽ tạo thành một hệ thống các vệ tinh có khả năng dự phòng về dung lượng và giảm thiểu rủi ro cho khách hàng; tiếp tục củng cố an toàn cho mạng viễn thông quốc gia, đáp ứng nhu cầu sử dụng dung lượng vệ tinh của thị trường trong nước và khu vực từ nay đến năm 2020. Bên cạnh đó, VINASAT 2 được phóng lên vị trí quỹ đạo 131,80E, rất gần với vị trí của VINASAT 1 (1320E) là một thuận lợi lớn trong việc cung cấp dịch vụ cho khách hàng. Tháng 7-2012, VINASAT 2 sẽ đi vào hoạt động, Việt Nam mở rộng vùng phủ sóng tới nhiều nước trong khu vực như Lào, Campuchia, Thái Lan, miền Đông Trung Quốc, Triều Tiên, Ấn Độ, Nhật Bản, Úc, một phần Malaysia và Myanmar.
Chỉ 10-12 năm thu hồi vốn
Ông Lâm Quốc Cường, Giám đốc Công ty Viễn thông Quốc tế (VTI) - đơn vị được VNPT giao quản lý và vận hành VINASAT 2, cho biết VTI đã hoàn tất kế hoạch tiếp nhận quản lý khai thác vệ tinh VINASAT 2. Hiện VTI đã xây dựng xong nhà trạm, lắp đặt thiết bị phần mặt đất, xây dựng phương án kinh doanh để khai thác vệ tinh VINASAT 2.
Giám đốc Ban Quản lý dự án các công trình viễn thông của VNPT, ông Hoàng Minh Thống cho biết đến cuối năm 2011, số lượng khách hàng sử dụng dịch vụ chiếm gần 90% dung lượng của VINASAT 1, do vậy việc bổ sung VINASAT 2 vào thời điểm này là phù hợp. Nhu cầu của thị trường đối với dịch vụ vệ tinh đang tăng mạnh, giá đầu tư cho vệ tinh cũng đang giảm, do đó việc kinh doanh vệ tinh đang rất khả quan, chỉ 10-12 năm là có thể thu hồi vốn.
Việc phóng thành công vệ tinh VINASAT 2 cho thấy Việt Nam tận dụng tối đa nguồn tài nguyên quỹ đạo vệ tinh đã được Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU) phân bổ cho mình. Bên cạnh việc khẳng định chủ quyền quốc gia Việt Nam trên không gian, VINASAT 1 và 2 đi vào hoạt động đã góp phần hoàn thiện cơ sở hạ tầng thông tin liên lạc, truyền thông của quốc gia, nâng cao năng lực mạng lưới, chất lượng dịch vụ viễn thông, công nghệ thông tin, phát thanh, truyền hình của Việt Nam.
“Đây là các dự án có ý nghĩa chính trị và kinh tế - xã hội to lớn, thể hiện chủ quyền quốc gia Việt Nam trong không gian, góp phần nâng cao hình ảnh của Việt Nam trên trường quốc tế…”.
(Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng) |
Thời điểm lịch sử của Lockheed Martin Đối với nhà sản xuất Mỹ Lockheed Martin, việc phóng thành công 2 vệ tinh địa tĩnh JCSAT-13 và VINASAT 2 được xem như sự phát triển bước ngoặt vì đây là vệ tinh thứ 100 và 101 được đưa vào quỹ đạo thành công. Chủ tịch Lockheed Martin phụ trách bộ phận hệ thống không gian thương mại Joseph Rickers, phát biểu: “Chúng tôi rất hãnh diện chia sẻ thời điểm lịch sử này với Sky Perfect JSAT (đơn vị quản lý, khai thác vệ tinh JCSAT-13 của Nhật) và VNPT, hai đối tác tiếp tục tin cậy vào chúng tôi cho giải pháp vệ tinh viễn thông của họ”. Phó Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc phụ trách hệ thống viễn thông toàn cầu của Lockheed Martin- ông Kevin Bilger - ngợi khen nhân viên, đối tác và khách hàng của tập đoàn này, trong đó có VNPT, đã góp phần giúp thời điểm này trở thành hiện thực. Lưu Nguyễn |
Bình luận (0)