1 phút trước khi phóng, tất cả điện ở các phòng điều khiển đều bật lên sang chế độ sẵn sàng. Đúng 5 giờ 13 phút, sau khi hai cánh tay giữ tên lửa và vệ tinh được thu lại, tên lửa Arian 5 bắt đầu khởi động và chỉ mấy giây sau đã lao lên không trung.
Mất khoảng 40 phút sau khi được tên lửa Arian 5 mang lên, vệ tinh sẽ tách ra và có mặt tại vị trí mà Việt Nam đã đăng ký ở 131,80E.
Bạn cài Flash Player để xem được Clip này.
Ông Phan Hoàng Đức - Phó Tổng Giám đốc VNPT, cho biết VINASAT 2 sẽ phát triển trên băng tần KU với 24 bộ phát đáp (VINASAT 1 chỉ có 20 bộ phát đáp); dung lượng truyền dẫn tương đương 13.000 kênh thoại/internet/truyền số liệu hoặc khoảng 150 kênh truyền hình; vùng phủ sóng vệ tinh của VINASAT 2 là toà bộ khu vực Đông Nam Á và một số nước lân cận và một phần Châu Úc. VINASAT 2 được đầu tư 260 - 280 triệu USD, trong đó 20% là vốn của VNPT, còn lại 80% là vốn vay thương mại.
Ông Lâm Quốc Cường - Giám đốc công ty Viễn thông quốc tế (VTI) đơn vị được VNPT giao quản lý và vận hành VINASAT 2, cho biết, VTI đã hoàn tất kế hoạch tiếp nhận quản lý khai thác vệ tinh VINASAT 2 sau khi vệ tinh này được phóng thành công. Hiện VTI đã hoàn tất xây dựng nhà trạm, lắp đặt thiết bị phần mặt đất cho vệ tinh VINASAT 2, xây dựng phương án kinh doanh và những nội dung hợp tác kinh doanh để khai thác vệ tinh VINASAT 2.
VNPT cho biết, đến cuối năm 2011, số lượng khách hàng sử dụng dịch vụ chiếm gần 90% dung lượng của VINASAT 1, do vậy việc bổ sung VINASAT 2 vào thời điểm này là phù hợp. Ông Hoàng Minh Thống khẳng định: “Nhu cầu của thị trường đối với dịch vụ vệ tinh đang tăng mạnh, giá đầu tư cho vệ tinh cũng đang giảm, vì vậy việc kinh doanh vệ tinh đang rất khả quan, chỉ 10-12 năm là có thể thu hồi vốn.”
Khẳng định chủ quyền quốc gia trên không gian
Theo Cục trưởng Cục Tần số Vô tuyến điện (Bộ TT-TT) Đoàn Quang Hoan, vị trí quỹ đạo của VINASAT 2 có được là một sự thành công của Việt Nam khi đăng ký gần như trọn vẹn vị trí quỹ đạo 107, 126, 131,8, nhưng thành công nhất chính là băng tần ở 2 vị trí 126 và 131,8 và có băng tần KU đủ để phát triển với công suất lớn cùng với vùng phủ tương đối rộng.
Việc phóng thành công vệ tinh VINASAT 2, cho thấy Việt Nam đã tận dụng tối đa nguồn tài nguyên quỹ đạo vệ tinh đã được Liên minh viễn thông quốc tế (ITU) phân bổ cho Việt Nam. Bên cạnh việc khẳng định chủ quyền quốc gia Việt Nam trên không gian, VINASAT-1và 2 đi vào hoạt động đã góp phần hoàn thiện cơ sở hạ tầng thông tin liên lạc, truyền thông của quốc gia, nâng cao năng lực mạng lưới, chất lượng dịch vụ viễn thông, CNTT, phát thanh, truyền hình của Việt Nam. |
Bình luận (0)