Trong thử nghiệm được tiến hành tại Đại học Durham (Anh), những chiếc máy nano bé nhỏ đã mất từ 1-3 phút để vượt qua màng ngoài của tế bào ung thư tuyến tiền liệt, chọc thủng và tiêu diệt chúng ngay lập tức.
Động cơ của chiếc máy là một chuỗi các nguyên tử có thể được điều khiển di chuyển theo một hướng, làm cho cả thiết bị dạng phân tử quay với một tốc độ cao và có tác dụng như một mũi khoan đối với tế bào chúng muốn tiêu diệt. Máy được điều khiển bằng ánh sáng.
Ảnh minh họa các máy nano (màu xám) đang chọc thủng màng tế bào ung thư - ẢNH DO NHÓM NGHIÊN CỨU CUNG CẤP
Trước đây, các liệu pháp "nhắm trúng đích", tức điều trị không xâm lấn, cố gắng tiêu diệt chính xác các tế bào ung thư mà không làm ảnh hưởng đến các tế bào khỏe mạnh, đã được giới khoa học nghiên cứu và phát triển từ rất lâu.
Khác với những biện pháp cũ như phẫu trị hay hóa trị, các liệu pháp nhắm trúng đích - ví dụ một số loại thuốc ung thư - có thể tiêu diệt tận gốc hơn căn bệnh và bảo tồn các mô lành để bệnh nhân dễ dàng hồi phục và tiếp tục cuộc sống. Máy nano này cũng được kỳ vọng làm nên điều đó.
Tể bào ung thư đang tan rã dần sau 1 phút bị máy nano tấn công - ẢNH DO NHÓM NGHIÊN CỨU CUNG CẤP
Trong bài báo cáo trên tạp chí chuyên ngành Nature, các nhà khoa học thuộc nhóm nghiên cứu quốc tế này cho biết họ đang tiếp tục nghiên cứu để ứng dụng thiết bị này trên các khối u ở vú và u ác tính ở da, bao gồm các dạng ung thư kháng với các chất hóa trị liệu đã được ghi nhận.
Nhóm nghiên cứu cũng đặt mục tiêu làm cho thiết bị này thực hiện được hai nhiệm vụ: hoặc là một vũ khí làm vỡ màng ngoài tế bào, hoặc đào một "đường hầm" vào tế bào và mang theo các chất điều trị. Khi được đưa vào cơ thể, cỗ máy siêu nhỏ sẽ nằm yên trên màng tế bào cho đến khi nó được kích hoạt bằng tia cực tím.
Tiến sĩ James Tour (Đại học Rice, Houston - Mỹ), một thành viên của nhóm nghiên cứu, cho biết: "Loại máy nano này nhỏ đến mức chúng tôi có thể đặt khoảng 50.000 chiếc thành một đường thẳng bằng… đường kính của một sợi tóc người. Thế nhưng, chúng có đầy đủ các bộ phận để nhắm vào mục tiêu".
Hiện nghiên cứu mới chỉ được tiến hành trên vi sinh vật và một số loài cá nhỏ. Các nhà khoa học hy vọng có thể sớm chuyển đối tượng sang các loài gặm nhấm và sau khi thành công sẽ thử nghiệm trực tiếp lên con người.
Bình luận (0)