Khi ngủ, có những lúc tròng mắt (nhãn cầu) không giật. Đó là giai đoạn đi vào giấc ngủ, từ nông đến sâu, sóng điện não đi từ dạng thức sang dạng ngủ, chiếm khoảng 4/5 thời gian giấc ngủ trong một đêm.
Có những giai đoạn tròng mắt giật: tuy ngủ sâu nhưng sóng điện não lại trở sang dạng thức (do đó còn có tên là giai đoạn giấc ngủ nghịch đảo), chiếm khoảng 1/5 thời gian giấc ngủ trong một đêm. Chính trong lúc này, giấc mộng đến. Bằng chứng là nếu đánh thức những người đang ngủ vào lúc này, họ đều nói là đang thấy mộng.
Trong một đêm ngủ có 4-6 chu kỳ xen kẽ các giai đoạn tròng mắt giật và không giật; càng về sau thì giai đoạn tròng mắt giật càng kéo dài hơn. Những giấc mộng dài, gây ấn tượng và dễ nhớ lại nhất chính là giấc mộng xảy ra vào lúc gần sáng, trước lúc ta thức dậy.
Giấc mộng mang tính cảm xúc nhiều hơn tư duy. Các sự vật trong mộng thường được nhìn thấy, nghe thấy nhiều hơn là suy ngẫm.
Đứng về cảm thụ giác quan, người ta thống kê thấy các trải nghiệm về hình ảnh chiếm 100% trong các giấc mơ, về thính giác chiếm 40-50% trong các giấc mộng. Trải nghiệm về các giác quan khác (xúc giác, vị giác, khứu giác, cảm giác đau...) chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ. Ví dụ, trong giấc mơ gặp Đạm Tiên của nàng Kiều, ngoài hình ảnh và đối thoại còn có trải nghiệm khứu giác:
Tỉnh ra mới biết rằng mình chiêm bao
Trông theo nào thấy đâu nào
Hương thừa dường hãy ra vào đâu đây...!
Phần lớn cảm xúc trong giấc mộng là những trạng thái cảm xúc đơn thuần như: sợ hãi, giận dữ, vui sướng... chứ không phải là cảm xúc phức tạp đan xen như khi ở trạng thái thức. Đại đa số giấc mộng mang hình thái của những câu chuyện đứt quãng, cấu thành do các mẩu ký ức. Vì thế trong mộng thường có nhiều chuyển cảnh mà khi tỉnh giấc, muốn hệ thống lại câu chuyện giấc mơ của mình, người kể phải vận dụng liên tưởng để kết nối lại. Và để giải thích giấc mộng, các nhà phân tâm học cũng đã phải vận dụng liên tưởng để lần ra từng bước cái nội dung thực chất ẩn tàng của nó.
Tư duy của giấc mộng có liên quan đến các kích thích giác quan cảm nhận khi mơ (tiếng điện thoại réo lại được mơ thành hồi chuông, áo quần chật được mơ thành bị trói...), đến các ký ức và các trạng thái tình cảm đã trải nghiệm.
Giấc mộng có chức năng giải tỏa căng thẳng nên rất cần thiết cho sự thăng bằng cảm xúc, tâm lý của con người, làm giảm thiểu các căng thẳng tích tụ trong cuộc sống. Thực nghiệm cho thấy, nếu tìm cách không cho một người ngủ được mộng (mỗi khi xuất hiện tròng mắt giật là đánh thức) thì chỉ sau hai đêm liền như thế, ở người đó sẽ xuất hiện các dấu hiệu bồn chồn, dễ kích động và trong những đêm tiếp theo, anh ta sẽ mộng bù lại nhiều hơn!
Con người không thể không ngủ nên giấc mộng vẫn là đồng hành với chúng ta trong suốt cuộc đời. Tuy nhiên, chính cuộc đời mới là cơ sở để sản sinh ra mộng. Không ai mộng thấy mình bay được lên trời nếu chưa được một lần đi máy bay, đứng trên nhà cao ốc nhìn xuống hoặc chí ít đã xem phim hành động hay kinh dị có kỹ xảo phi thân. Cũng không ai có ác mộng bị truy nã, săn lùng nếu không làm điều gì dẫn đến nỗi sợ hãi đó.
Bình luận (0)