Trong một bài viết vừa đăng tải trên tờ The Conversation, giáo sư thần kinh học Gina Rippon, đến từ Đại học Aston (Anh), đã "biện hộ" cho trẻ vị thành niên nổi loạn. Theo bà, cha mẹ và giáo viên không nên quá đau khổ khi một đứa trẻ bỗng trở nên khó bảo vào giai đoạn thiếu niên.
Sự nổi loạn ấy như một hệ quả tất yếu khi não bộ được nâng cấp từ trẻ em sang người lớn với nhiều thay đổi có thể ảnh hưởng đến nhận thức và hành vi của trẻ. Nói đúng hơn, sự nổi loạn có thể đơn giản là một chút "chập mạch" như khi bạn cố nâng cấp "cỗ máy" não bộ.
Tuổi thiếu niên thường gắn với các hành động kỳ quặc, nổi loạn - ảnh: DAILY MAIL
Theo nghiên cứu của giáo sư Rippon, chất xám của não, vốn phát triển mạnh mẽ từ khi sinh ra, bất ngờ mỏng đi trong giai đoạn thiếu niên. Điều này có thể do hiện tượng thần kinh đang tự "cắt tỉa" và giải phóng não khỏi những kết nối không cần thiết, nhằm nâng cấp mạng lưới cấu trúc, tăng cường hiệu quả các hoạt động thần kinh và chuẩn bị cho sự trưởng thành.
Quá trình mỏng đi của chất xám xảy ra ở các vùng có chức năng điều hành, tức kiểm soát nhận thức, ra quyết định và dàn xếp các sự vụ. Vì lẽ đó, thiếu niên trở nên dễ bốc đồng, không giỏi giải quyết các sự việc và hay đưa ra các quyết định không phù hợp.
Đồng thời, các vùng não liên quan đến sự khen thưởng và hình phạt cũng gặp rắc rối trong giai đoạn này khiến việc cư xử, cảm xúc, nhận thức trước các sự việc đúng – sai dường như cũng "có vấn đề".
Rất may mắn, sự bốc đồng của thiếu niên hoàn toàn khác biệt với sự bốc đồng của người lớn, xét theo các mặt hoạt động thần kinh. Vì thế, giai đoạn ẩm ương của thiếu niên thực sự là dấu hiệu của quá trình tinh chỉnh các hoạt động thần kinh nhằm tạo ra người lớn chín chắn hơn.
Nhưng điều đó không có nghĩa là bạn phải "bó tay" trước mọi hành vi nổi loạn của con mình. Trẻ vị thành niên, thiếu niên vẫn có một hệ thống rất khéo léo liên kết giữa nỗ lực và phần thưởng. Thực sự, hầu hết các bé đều đang cố kháng cự lại những phút nổi loạn. Hãy động viên và khuyến khích trẻ đúng lúc, bạn sẽ thấy hiệu quả.
Bình luận (0)