Theo bài được công bố trên tạp chí khoa học Nature, nhóm nghiên cứu đến từ 2 trường đại học Poitiers - Pháp và N’Djamena - Chad đã nghiên cứu các phần hài cốt Sahelanthropus tchadensis từ khu vực TM266 của di chỉ Toros-Ménalla ở Chad, dựa vào hình thái xương để tái hiện lại cách mà sinh vật này đã vận động.
Ảnh đồ họa mô tả con người mang đột phá tiến hóa đang đứng nhìn những người anh em họ trên cây - Ảnh: Université de Poitiers
Những phần hài cốt hóa thạch này được cho là có niên đại lên đến từ 6-8 triệu năm tuổi, là giai đoạn mà con người dần tách ra về mặt di truyền khỏi tinh tinh và tinh tinh lùn.
Loài này trước đây vẫn được cho là giống với tinh tinh hơn con người, với bộ não nhỏ và leo cây giỏi, tuy nhiên kết quả của nghiên cứu mới đã đảo lộn tất cả, cho thấy không những nó thuộc về dòng dõi con người mà còn là sinh vật mang bước nhảy vọt tiến hóa quyết định số phận nhân loại.
Họ là loài đầu tiên biết đi bằng hai chân, chứ không phải những loài sau này như khoa học từng ghi nhận!
Đó là một trong những bước đột phá quan trọng nhất trong lịch sử nhân loại, giúp tổ tiên chúng ta rời cuộc sống trên những ngọn cây để chuyển sang cuộc sống dưới mặt đất.
Điều này được hé lộ rõ ràng qua những phần xương đùi được khai quật tại Toros-Ménalla, theo bài tóm tắt nghiên cứu trên Science Alert.
Một số phần hài cốt được dùng trong nghiên cứu - Ảnh: Université de Poitiers
Ngoài ra, một số xương cẳng tay tiếp tục tiết lộ chi tiết kinh ngạc khác: Loài cổ đại này không leo cây theo kiểu của tinh tinh, mà leo cây theo kiểu của con người, tức với bàn tay nắm chắc thay vì phụ thuộc vào xương ngón tay và ngón chân như các loài linh trưởng khác.
Môi trường xung quanh được cho là nguyên nhân thúc đẩy những đột phá tiến hóa này. Những homini sơ khai này có lẽ đã sống trong một môi trường hỗn hợp giữa rừng, lùm cọ và đồng cỏ, khiến việc đi lại bằng hai chân kết hợp trèo cây giúp tối ưu hóa khả năng tìm được thức ăn và nước uống.
Bình luận (0)