Đó là phát hiện từ nghiên cứu dẫn đầu bởi giáo sư Benjamin Weiss từ Khoa Trái Đất, khí quyển và hành tinh, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT - Mỹ).
Theo MIT News, vùng rỗng không bí ẩn, mang dạng hình khuyên, đã chia tách hệ Mặt Trời non trẻ thành 2 vùng riêng biệt với các tính chất rất khác nhau, ảnh hưởng trực tiếp lên sự hình thành các hành tinh sau này. Hình khuyên rỗng đó nằm ở vị trí giữa quỹ đạo của Sao Hỏa và Sao Mộc ngày nay, chính là nơi đang ngự trị Vành đai tiểu hành tinh.
Hệ Mặt Trời sơ khai với khoảng trống hình khuyên phân chia 2 thế giới trong - ngoài - Ảnh: A. Angelich / NRAO / AUI / NSF
Phát hiện này đến từ các nghiên cứu về thiên thạch trong suốt 1 thập kỷ qua. Có một sự phân chia kỳ lạ về thành phần: dù cùng được sinh ra trong hệ Mặt Trời, nhưng chúng như đến từ 2 thế giới khác biệt.
Một nhóm được gọi là "thiên thạch carbon" có nguồn gốc ở vùng xa Mặt Trời, một nhóm là "thiên thạch carbon" từ khu vực gần Mặt Trời. Theo lẽ tự nhiên, lẽ ra thiên thạch carbon phải có từ trường kém hơn loại kia, bởi từ tính của các tảng đá không gian bị phân rã theo độ xa của nó với ngôi sao mẹ. Tuy nhiên các nhà khoa học MIT phát hiện điều ngược lại.
Theo Sci-News, chỉ có một khả năng duy nhất: có một thứ gì đó chắn ngang giữa thế giới của thiên thạch không carbon và thiên thạch carbon. Với một hệ sao trẻ, "vạn lý trường thành" này là một vùng rỗng không trên đĩa tiền hành tinh.
Nguyên nhân của vùng rỗng được cho là do sự "nghịch ngợm" của Sao Mộc non trẻ, là hành tinh đầu tiên của hệ Mặt Trời và có từ trường đủ mạnh để làm xáo trộn đĩa tiền hành tinh - vốn ban đầu là một quầng khí bụi liền lạc, dày đặc bao vây Mặt Trời trẻ.
Khoảng trống "phân đôi thế giới" này cũng làm ảnh hưởng rất lớn đến thành phần của các hành tinh, mà bằng chứng là nhóm hành tinh đá bên trong - bao gồm Trái Đất - có nhiều tính chất rất khác biệt so với các "gã khổng lồ khí" thống trị hệ Mặt Trời ngoài.
Nghiên cứu vừa được công bố trên tạp chí khoa học Science Advances.
Bình luận (0)