Theo Scitech Daily, mảnh hổ phách được tìm thấy ở Đông Nam Á đã giúp lấp đầy "khoảng trống tiến hóa" ở loài giáp xác mà các nhà cổ sinh vật học bấy lâu tìm kiếm. Đó là một con cua nguyên vẹn, trông giống y hệt của hiện đại.
Cận cảnh mảnh hổ phách và con cua hóa thạch gây kinh ngạc - Ảnh: Đại học Havard
Sinh vật gây kinh ngạc đã được nghiên cứu chi tiết bởi Đại học Havard, Đại học Yale, Đại học California ở Berkeley (Mỹ), Đại học Khoa học địa chất Trung Quốc, Đại học Vân Nam (Trung Quốc), Viện nghiên cứu Nhiệt đới Smitthsonian Panama, Đại học Alberta, Bảo tàng Hoàng gia Saskatchewan (Canada).
Theo EurekAlert, các nghiên cứu trước đây dựa trên các mảnh hóa thạch cho thấy từ khoảng 50-75 triệu năm về trước, loài cua nước ngọt đã tách ra khỏi cây gia đình cổ xưa, rời biển và tiến hóa thành hình dạng giống như ngày nay. Tuy nhiên hóa thạch mới này cho thấy điều đó đã xảy ra từ 100-125 triệu năm về trước.
Ảnh đồ họa mô tả những con cua nước ngọt thời khủng long - Ảnh: Đại học Harvard
Rất hiếm sinh vật đã tiến hóa đến hình thái hiện tại ngay từ thời khủng long, lại tồn tại mạnh mẽ qua rất nhiều biến động của môi trường, bao gồm các đại tuyệt chủng. Vì vậy mảnh hổ phách chứa con cua là một kho báu lớn.
Tờ Science cho biết kết quả quét CT cho thấy chi tiết các mô tế bào, bao gồm phần lông mịn trên càng cua và đôi mắt kép lớn vẫn nguyên vẹn, khẳng định thêm sự "hiện đại" của sinh vật.
Hóa thạch được đặt tên là Cretapsara athanata, tức "linh hồn bất tử của mây và nước trong kỷ Phấn Trắng", như một cách tôn vinh thần thoại ở Nam Á và Đông Nam Á, nơi nó từng sinh sống.
Bình luận (0)