Các nhà khoa học đến từ Đại học Bordeaux (Pháp), Đại học Rice và Đại học bang Oklahoma (Mỹ) đã xây dựng một mô hình tái hiện sự tiến hóa của hệ Mặt Trời từ thuở sơ khai, dựa trên những dữ liệu do các tàu vũ trụ và cơ quan vũ trụ khắp thế giới thu thập được.
Họ phát hiện ra rằng một hoặc nhiều vật thể có kích thước hành tinh có thể đã bị bắt giữ bởi cấu trúc bí ẩn gọi là "Đám mây Oort".
Ảnh đồ họa mô tả "hành tinh thứ 9" ẩn nấp đâu đó ngoài rìa hệ Mặt Trời - Ảnh: NASA
"Đám mây Oort" không phải là mây theo nghĩa đen, mà là một tập hợp khổng lồ các vật thể băng giá trải dài trong vùng không gian cách xa từ vài trăm tỉ đến vài ngàn tỉ dặm từ Mặt Trời.
Khoảng 4,5 tỉ năm trước, khi hệ Mặt Trời mới hình thành, lực hấp dẫn đã gửi các mảnh vụn từ các đám mây bụi tiền hành tinh đang nguội đi nhanh chóng đi xa theo cách mà người ta đánh một quả bóng billiard văng ra xa.
Một số trong các mảnh này có khả năng trở thành một hành tinh thực thụ. Có mảnh tìm được "mái nhà" mới, tức vô tình văng trúng vào một hệ sao khác và được giữ lại.
Theo Live Science, đó không chỉ là giả thuyết, bởi các "hành tinh bị chối bỏ" như vậy đã được ghi nhận thông qua các quan sát ở các hệ sao xa xôi khác.
Có hai kịch bản xảy ra để "Đám mây Oort" sở hữu một hoặc vài hành tinh ẩn nấp bên trong.
Kịch bản thứ nhất, "Đám mây Oort" đã kịp giữ lại một tiền hành tinh nào đó do chính hệ Mặt Trời hất văng ra. Xác suất cho kịch bản này là 0,5%.
Kịch bản thứ hai, một hành tinh hình thành từ mảnh tiền hành tinh của một hệ sao khác đã vô tình đi ngang qua và bị "Đám mây Oort" bắt lại, với xác suất lên đến 7%.
Tuy nhiên, hành tinh thứ 9 này sẽ không phải "hành tinh X" mà một số nhóm nhà khoa học tìm kiếm, tức vật thể ma quái dường như đang ảnh hưởng đến quỹ đạo của Sao Hải Vương và các mảnh vụn khác quanh nó.
Hành tinh bí ẩn, hoặc các hành tinh bí ẩn nằm trong "Đám mây Oort", sẽ quá xa để ảnh hưởng đến Sao Hải Vương, cũng như đem đến nhiều thử thách lớn trong việc nắm bắt nó trực tiếp.
Bình luận (0)