Trung tâm của hệ sao là TOI-1266, một sao lùn đỏ nhỏ và lạnh hơn mặt trời rất nhiều. Nó có 2 "con" là 2 hành tinh khổng lồ. Một hành tinh kích thước gấp 2,5 lần Trái Đất, được xếp loại "tiểu Hải Vương Tinh", mang tên TOI-1266b; hành tinh còn lại TOI-1266c gấp 1,5 lần thế giới của chúng ta, được coi là "siêu Trái Đất".
Ảnh đồ họa mô tả hệ sao mới được phát hiện - Ảnh: GOBAL SCIENCE
2 hành tinh nay quay rất gần sao mẹ, 1 năm ở TOI-1266b chỉ bằng 11 ngày ở Trái Đất, với TOI-1266c là 19 ngày. Tuy nhiên điều này lại tương thích đáng ngạc nhiên với sự nhỏ bé và mát dịu của sao mẹ, khiến 2 hành tinh khổng lồ này lọt đúng vào "vùng Goldilocks", tức khu vực có thể sống được của hệ sao.
Trong vùng Goldilocks, các hành tinh có thể nhận được nhiệt lượng từ sao mẹ vừa đủ để sở hữu nước ở trạng thái lỏng, từ đó hình thành các đại dương – điều kiện tiên quyết để nuôi dưỡng sự sống. Ví dụ, hệ Mặt Trời của chúng ta có 3 hành tinh thuộc vùng Goldilocks là Sao Kim, Trái Đất và Sao Hỏa. Rất tiếc các sự kiện không may trong quá trình tiến hóa hành tinh đã khiến Sao Kim và Sao Hỏa không còn là thế giới đại dương như thuở sơ khai.
2 hành tinh mới phát hiện cũng có thành phần tương tự Sao Kim, Trái Đất và Sao Hỏa: chủ yếu là đá và kim loại. Mật độ và nhiệt độ bề mặt chúng cũng tương tự nhau.
Một trong các tác giả chính của nghiên cứu, tiến sĩ Yilen Gómez Maqueo Chew từ Viện Thiên văn Circuito Exterior, Đại học Quốc gia tự trị Mexico cho rằng việc nghiên cứu 2 hành tinh kích thước rất khác nhau nhưng lại có các điều kiện tương đồng bất ngờ là cơ hội tuyệt vời để hiểu thêm cách các thế giới sống được hình thành trong vũ trụ.
Công trình được thực hiện nhờ những quan sát qua kính viễn vọng SAINT-EX đặt tại Mexico và vừa đăng tải trên Astronomy & Astrophysics.
Bình luận (0)