Một nghiên cứu vừa công bố trên tạp chí khoa học PNAS đã đưa ra những bằng chứng cụ thể về một hay vài vụ nổ siêu tân tinh, tức ngôi sao phát nổ về cuối đời, cách chúng ta chỉ 60 năm ánh sáng, xảy ra vào 360 triệu năm trước khiến sự đa dạng sinh học bị kéo giảm trong một thời gian dài.
Một siêu tân tinh - ảnh: NASA
Những bông hoa cổ đại với phấn hoa bị dị dạng cho thấy chúng đã nếm trải thứ gọi là "bức xạ ion hóa" một thời gian dài, dù may mắn là kẻ sống sót. Bức xạ ion hóa này chỉ có thể đến từ siêu tân tinh. Vụ nổ này đã bào mỏng tầng ozon trong thời gian dài, khiến Trái Đất mất đi tầng bảo vệ quan trọng với sự sống, gần như trần trụi dưới bức xạ Mặt Trời và các vật thể không gian khác.
Quá trình này cũng dẫn đến nóng lên toàn cầu, làm suy yếu chu kỳ tuần hoàn nước, tạo ra tia sét gây cháy rừng ở nhiều nơi.
Giáo sư Adrian Melott từ Đại học Kannsas (Mỹ), người đứng đầu nghiên cứu cho biết các siêu tân tinh còn tạo ra các hạt muon trong khí quyển, là loại bức xạ xuyên thấu cực mạnh. Loại hạt này gây tổn thương cho hầu hết các động vật lớn và các sinh vật ở độ sâu khoảng nửa dặm dưới đại dương. Hạt muon chính là thứ mà khoa học hiện đại ứng dụng để thám thính các cấu trúc bí ẩn, ví dụ như kim tự tháp bởi nó có khả năng "xuyên tường" rất tốt.
Nhiều loài ba đuôi, cá bọc thép và hàng loạt sinh vật kỳ lạ của Trái Đất đã tuyệt chủng trong quãng thời gian "địa ngục" này, và hành tinh phải rất lâu sau đó mới hồi phục.
Các nhà thiên văn cũng lưu ý nếu loài người sống đủ lâu, chúng ta sẽ phải chú ý đến Betelgeuse, một ngôi sao cũng gần về cuối đời, cách chúng ta 600 năm ánh sáng. Dù khoảng cách gấp 10 lần nhưng Betelgeuse quá to lớn nên sẽ đủ gây thiệt hại cho hành tinh.
Cách đây 2 tháng, một nghiên cứu khác từ Đại học Illinois (Mỹ) cũng đã đưa ra lý thuyết về thảm họa siêu tân tinh gây ra sự kiện tuyệt chủng cuối kỷ Devon, cướp đi 50% số chi động thực vật trên cây sự sống. Nghiên cứu này cho rằng có rất nhiều vụ nổ siêu tân tinh liên tiếp cách chúng ta 65 năm ánh sáng, nhưng chưa tìm được bằng chứng trực tiếp.
Bình luận (0)