Một loại vi khuẩn có tuổi đời 500 triệu năm vừa được phục sinh trong một phòng thí nghiệm tại George Tech (Mỹ), khiến người ta không thể không liên tưởng tới ý tưởng hồi sinh gene khủng long trong bộ phim Công viên Kỷ Jura.
Gene vi khuẩn cổ đại đã được hồi sinh và cấy vào cơ thể vi khuẩn E.Coli hiện đại.
Chỉ có điều lần này, các nhà khoa học đã cấy gene hồi sinh vào cơ thể vi khuẩn E Coli hiện đại. Họ hy vọng sẽ xác minh được liệu vi khuẩn “cổ đại” tiến hóa từng bước trên cơ thể cũ hay sẽ “đột biến” thành một cơ thể mới, hoàn toàn khác.
“Có thể nói là chúng ta đang tua lại và xem lại cuốn băng phân tử của sự sống” - chuyên gia Betul Kacar của NASA so sánh trên DailyMail.
Kết quả cho thấy, vi khuẩn cổ đại đột biến rất nhanh, một số con đã trở nên mạnh hơn, khỏe hơn cả vi khuẩn hiện đại. Các nhà khoa học gọi đó là những vi khuẩn “Frankenstein”.
Ban đầu, cơ thể vi khuẩn bị cấy gene không được khỏe như những con vi khuẩn hiện đại khác. Thế nhưng chúng thích nghi rất nhanh với điều kiện mới và biến đổi liên tục mỗi ngày. Sau 500 thế hệ tiến hóa, các nhà khoa học đã xâu chuỗi hệ gene của tất cả 8 dòng vi khuẩn thu được và phân tích cơ chế thích nghi của chúng.
Kết quả cho thấy, không những độ khỏe của vi khuẩn cấy gene tăng lên xấp xỉ vi khuẩn hiện đại mà một số dòng vi khuẩn còn tỏ ra mạnh hơn. Điều bất ngờ là gene cổ đại không hề đột biến mà chính những protein hiện đại tương tác với gene EF-Tu bên trong cơ thể vi khuẩn mới đột biến. Nói ngắn gọn, gene cổ đại không biến đổi để trở nên giống với hình thái hiện đại mà thay vào đó, nó tìm ra một quỹ đạo tiến hóa mới để thích nghi, NASA phân tích.
Bình luận (0)