Thông tin trên được đưa ra bởi các nhà dự báo từ Trung tâm Dự báo thời tiết không gian (SWPC) thuộc Cơ quan Quản lý Khí quyển và đại dương Mỹ (NOAA). Họ nhận thấy vật chất khí đang chảy ra ồ ạt từ một lỗ ở phía Nam của bầu khí quyển mặt Trời.
Các lỗ hình khuyên nằm ở bầu khí quyển phía trên của Mặt Trời là khu vực mà plasma của ngôi sao mát hơn và ít đặc hơn, tờ Live Science giải thích. Những lỗ này sẽ là nơi đường sức từ của Mặt Trời thay vì quay ngược trở lại ngôi sao lại bị "bung", hướng thẳng ra ngoài không gian.
Ảnh đồ họa mô tả cách Mặt Trời phóng những cơn bão về phía Trái Đất - Ảnh: LIVE SCIENCE
Một chiếc lỗ như vậy đã vô tình hướng đúng về phía Trái Đất trong thời điểm này.
Rất may kết quả dự báo cho thấy cơn bão Mặt Trời (bão địa từ) sẽ đổ bộ vào ngày 3-8 chỉ là một cơn bão yếu loại G1.
Bạn thường sẽ không cảm thấy những cơn bão vũ trụ dạng này, tuy nhiên nó vẫn ảnh hưởng đến lưới điện, hệ thống vô tuyến, định vị và cả các loài chim di trú, nói chung là bất cứ những thứ gì hoạt động phụ thuộc vào từ trường hành tinh. Các cơn bão địa từ có thể gây ra hiện tượng mất điện vô tuyến sóng ngắn ở vài nơi trên thế giới.
Các hạt có năng lượng cao của cơn bão từ vũ trụ đổ xuống cũng có thể "nhỏ giọt" xuống các đường sức từ gần các cực của hành tinh, kích động các phân tử trong khí quyển, giải phóng năng lượng dưới dạng ánh sáng để tạo ra cực quang, mà vùng hay nhìn thấy nhất là các miền đất gần cực Bắc.
Cơn bão địa từ ngày 3-8 được dự báo có thể gây ra những biến động nhỏ trong lưới điện và ảnh hưởng tới một số chức năng của vệ tinh, từ đó khiến vài ứng dụng trên các thiết bị di động, bao gồm định bị GPS, bị nhiễm loạn đôi chút.
Cực quang cũng có thể xuất hiện xuống các vĩ độ khá thấp như phía Nam Michigan - Mỹ.
Một cơn bão địa từ cỡ mạnh có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng hơn, thậm chí đủ sức ném ngược các vệ tinh đang phóng trở về Trái Đất/
Bình luận (0)