Theo Daily Mail, quả cầu lửa này - thực ra tạo nên từ plasma - có nguồn gốc từ một vụ phóng khối lượng đăng quang (CME), là cú tấn công trực diện, mạnh mẽ nhất mà ngôi sao mẹ có thể dành cho chúng ta.
Một loạt cơn bão Mặt Trời (bão địa từ) đã ập vào Trái Đất trong những ngày qua và CME như một cơn lốc xoáy bất ngờ bồi thêm vào.
Bản đồ dự báo của Cơ quan Quản lý khí quyển và đại dương Quốc gia (NOAA - Mỹ) cho thấy vùng trời rực cháy cực quang sẽ rất lớn - Ảnh: NOAA
CME lần này có nguồn gốc từ AR2987, một vết đen rất lớn đang tồn tại trên Mặt Trời nhưng từng được cho là đã "chết", tức không còn hoạt động. Tuy nhiên, nó đã bất ngờ trỗi dậy và bắn ra quả cầu lửa loại C từ hôm 11-4 và hôm nay, quả đạn cực mạnh này sẽ trúng đích: Trái Đất.
Tờ Live Science dẫn lời nhà vật lý năng lượng Mặt Trời Philip Judge, từ Đài quan sát độ cao thuộc Trung tâm Nghiên cứu Khí quyển Quốc gia (NCAR - Mỹ), cho biết ý tưởng về một vết đen mặt trời "đã chết" mang một nghĩa có phần thơ mộng. Thực tế, chúng hoàn toàn có thể khởi động lại với nhiều từ tính hơn xưa - tất nhiên đi kèm với một cú bắn mạnh hơn xưa.
Theo dự báo từ các nhà thiên văn, quả cầu lửa lần này mạnh đến nỗi sẽ khiến cực quang thắp sáng một vùng cực rộng. Thay vì chỉ khu vực Bắc Cực nhìn thấy như mọi lần thì bây giờ, phía Bắc bang Michigan nước Mỹ hay Scotland và các vùng phía Bắc khác của Anh cũng có thể nhìn thấy cực quang.
Đáng tiếc, đi kèm với "ánh sáng phương Bắc" huyền ảo luôn là một rắc rối lớn: sự nhiễu loạn từ tính trong từ quyển của Trái Đất, làm ảnh hưởng tới các hệ thống viễn thông, định vị, thậm chí là lưới điện.
Bình luận (0)