Theo Live Science, đó là một vết đen Mặt Trời được đặt tên là AR3085, vài ngày trước mới chỉ là một đốm nhỏ.
Thế nhưng chỉ trong 2 ngày, AR3085 đã phình to lên rất nhanh, đạt được kích thước gấp 10 lần so với lần đầu quan sát thấy, biến thành một "họng súng vũ trụ" kép, chiều ngang gần bằng đường kính của Trái Đất. Không may, nó đang nhằm thẳng vào hướng chúng ta.
Một họng súng vũ trụ từng được ghi lại - Ảnh: NASA/KIS
Vết đen Mặt Trời chính là nơi mà Mặt Trời phóng ra những quả pháo sáng năng lượng cao, có thể kèm theo các vụ phóng khối lượng đăng quang (CME, một dạng cầu lửa bằng plasma). Những viên đạn chói lọi này nếu va đập vào từ quyển và khí quyển của Trái Đất sẽ gây nên bão địa từ, còn gọi là bão Mặt Trời.
Theo SpaceWeather, các dữ liệu quan sát từ NASA cho thấy một số vụ nổ năng lượng nhỏ đã xuất hiện ở vết đen này nhưng đến giờ vẫn chỉ là pháo sáng hạng C, loại pháo sáng vũ trụ yếu nhất trong 3 cấp mà vệ tinh của chính phủ Mỹ đang theo dõi.
Tuy nhiên, chắc chắn NASA và các cơ quan liên quan phải chú ý đến vết đen khổng lồ này trong những ngày tới, vì không có gì đoan chắc nó sẽ không phóng ra những thứ mạnh mẽ hơn.
Pháo sáng lớp lớn hơn C một chút - lớp M - đã đủ để gây mất điện vô tuyến ở vĩ độ cao khi bắn trúng Trái Đất, trong khi siêu pháo sáng cấp X có thể gây mất điện vô tuyến trên diện rộng, thậm chí làm hỏng hệ thống định vị, Internet, lưới điện..., từ đó gây nguy hiểm cho các thiết bị phụ thuộc vào các hệ thống này ví dụ như làm rơi rụng vệ tinh.
Theo NASA, các họng súng vũ trụ này hình thành trên bề mặt của Mặt Trời khi các dải từ trường ở khu vực đó trở nên rối và căng, ức chế dòng khí nóng từ bên trong ngôi sao và hình thành các vùng lạnh hơn, tối hơn.
Đến một lúc nào đó, sự tích tụ năng lượng tạo ra thế "tức nước vỡ bờ", trở thành những vụ phóng năng lượng nhằm vào bất cứ hành tinh nào xui xẻo nằm trong tầm ngắm của vết đen đó.
Bình luận (0)