Đó là một sao lùn nâu mờ, cực xa, cực lạnh nằm xuất hiện trong chùm hình ảnh chụp siêu đám thiên hà Abell 2744 (Cụm Pandora).
"Webb đại diện cho một bước tiến lớn trong việc phát hiện các sao lùn nâu xa và lạnh, hình ảnh và quang phổ kéo dài đến 5 micro mét" - Nhóm điều hành James Webb từ NASA, ESA (Cơ quan Vũ trụ châu Âu) và CSA (Cơ quan Vũ trụ Canada).
Hình ảnh chụp GLASS-JWST-BD1 - sao lùn nâu, một kiểu nửa hành tinh, nửa sao mà đến nay khoa học vẫn chưa thể giải mã hoàn toàn - Ảnh: JAMES WEB
Sao lùn nâu mới được phát hiện được đặt tên GLASS-JWST-BD1, nằm trong chòm sao Ngọc Phu (Sculptor). Nó được chụp lại bởi Camera hồng ngoại gần (NIRCam) của siêu kính viễn vọng.
"Hành tinh từ hư không" này có tuổi đời 5 tỉ năm, khối lượng bằng 0,03 lần khối lượng Mặt Trời và nhiệt độ khoảng 327 độ C, tức thuộc loại nóng trong thế giới hành tinh nhưng siêu lạnh nếu so với các ngôi sao.
Các nhà khoa học cho biết khoảng cách ước tính lớn của GLASS-JWST-BD1 - tận 2.000 năm ánh sáng - xác nhận sức mạnh của James Webb trong việc tìm kiếm các thế giới xa Trái Đất, ngay cả khi chúng rất nhỏ và rất mờ.
Sao lùn nâu là một vật thể có kích thước nằm giữa kích thước của một hành tinh khí khổng lồ và một ngôi sao, đôi khi được gọi là một "ngôi sao thất bại", đôi khi được coi như một "hành tinh cao cấp".
Vật thể nằm lưng chừng nửa hành tinh, nửa sao này được cho là ra đời "từ hư không" giống một ngôi sao - từ khí và bụi trong một đám mây phân tử - thay vì hình thành từ một đĩa tiền hành tinh cụ thể. Tuy nhiên nó quá nhỏ để có thể duy trì phản ứng tổng hợp hydro ở lõi, nên không thể coi như một ngôi sao.
Đã từng có những nghiên cứu táo bạo cho thấy kẻ lang thang này vẫn có khả năng chứa đựng một kiểu sự sống nào đó dù đơn độc, nhờ các đặc tính giống hành tinh nhưng siêu việt hơn một hành tinh rất nhiều.
Bình luận (0)