Con khỉ hoang đực đã an ủi khỉ cái trong phút nó sắp lìa trần và các chuyên gia động vật học cho rằng đây là hành vi “đáng kinh ngạc”. Trước đó, bộ linh trưởng chỉ có người và tinh tinh được ghi nhận có những biểu hiện này.
Khỉ đuôi sóc thường chung thủy với một bạn tình hơn 3,5 năm. Chuyên gia linh trưởng – bà Bruna Bezerra – từ ĐH Bristol (Anh) là người chứng kiến toàn bộ câu chuyện này. Bà phát hiện cặp khỉ khi đang quan sát loài khỉ đuôi sóc chung sống trong khu rừng phía Đông Bắc Brazil.
Thời điểm đó, con cái đầu đàn mà họ gọi là F1B đang mang thai, rơi từ trên cây xuống, vô tình đập đầu vào tảng đá dẫn đến trọng thương và hấp hối.
“Hành vi đáng chú ý nhất trong suốt thời gian này đến từ con đực M1B. 45 phút sau, nó phát hiện con cái nằm thoi thóp trên mặt đất. Ngay lập tức, nó chạy lại bên con cái”, BBC dẫn lời TS Bezerra.
Con khỉ đực đặt hai khỉ con nó đang ẵm lên cây, nhảy xuống chỗ bạn tình và ôm chầm lấy khỉ cái. Khỉ đực ngồi bên cạnh con vật bị tai nạn, cố gắng tương tác trong khoảng 1 giờ 48 phút sau. Trong lúc tuyệt vọng, khỉ đực ôm chặt, liên tục ngửi, hít bạn tình.
Nó không rời mắt, âu yếm nhìn con cái, thậm chí vùi mặt vào người bạn tình, đồng thời ngăn đám đông hỗn loạn tiếp cận con vật đang hấp hối. “Khi tôi quan sát cách tiếp cận của con đực đối với con cái đầu đàn, cách chăm sóc nhẹ nhàng và tận tình của nó đã làm tôi ngạc nhiên vô cùng”, Bezerra nói.
Hiện các nhà khoa học vẫn chưa rõ tại sao một số loài linh trưởng không phải người ngăn cản các thành viên trong bầy lại gần con chết trong khi khỉ đuôi sóc trưởng thành đã biết cách chăm sóc và canh giữ đồng loại bị thương. Các nhà nghiên cứu cũng cho biết hành động trên hiếm có và khá phức tạp khiến họ rất khó đánh giá về mức độ cảm nhận cái chết của động vật linh trưởng không phải người.
Ví dụ, trong suốt thời gian tương tác, M1B đã cố gắng giao cấu với con cái F1B và phát âm thanh báo động như có kẻ thù với cả bầy. Tuy nhiên, điều này không có gì xấu xa do loài khỉ đuôi sóc và một số loài linh trưởng khác như giống tinh tinh bonobo thường sử dụng tình dục để tăng cường mối liên kết xã hội.
Nhóm nghiên cứu vẫn chưa rõ liệu tình dục trong thời gian tương tác giữa con đực và cái hoặc tiếng hú báo động là do con đực quá đau buồn hay tính chất căng thẳng của tình hình.
“Tình hình căng thẳng có thể là nguyên nhân khiến con đực thực hiện các hành vi không thích hợp với bối cảnh. Tuy nhiên, chúng ta có thể suy đoán rằng những con đực thực hiện những điều này nhằm tìm kiếm phản ứng từ con cái bị thương”.
3 tháng sau khi khỉ cái qua đời, con khỉ đực đã bỏ bầy và các nhà khoa học chưa rõ số phận của nó. “Ở người cũng vậy, tỉ lệ tử vong và bệnh tật dường như tăng lên đáng kể trong thời gian ngắn sau khi họ mất người bạn đồng hành lâu dài. Căng thẳng, đau buồn sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe con người khiến họ dễ tử vong hơn”.
Chi tiết về sự tương tác đặc biệt này được công bố trên Tạp chí Primates (động vật linh trưởng) kèm video cảm động về hành vi này.
Bình luận (0)