Nghiên cứu được thực hiện bởi Đại học Côte d'Azur và Viện Cơ học thiên thể và tính toán lịch thiên văn (IMCCE) của Pháp, công bố trên tạp chí khoa học Nature.
Các nhà khoa học khẳng định Mặt Trăng có lõi ngoài lỏng và lõi trong rắn, bằng sắt y hệt lõi Trái Đất.
Cấu trúc bên trong Mặt Trăng của Trái Đất - Đồ họa: Geoazur/Nicolas Sarter
Theo Live Science, các nhà thiên văn từ rất lâu đã bối rối về cấu trúc của Mặt Trăng. Một cuộc tranh luận sôi nổi đầu thế kỷ XX xoay quanh việc nó có phải là một thế giới đá nguyên thủy giống như các mặt trăng Phobos hay Deimos của Sao Hỏa hay không.
Thế nhưng, từ khi những tàu đổ bộ đầu tiên đáp xuống thiên thể này, như các sứ mệnh Apollo của NASA, người ta đã tìm thấy các gợi ý rằng Mặt Trăng có thể rất giống Trái Đất về mặt cấu trúc.
Nó được phân lớp vật chất rõ ràng hơn nhiều so với các mặt trăng của hành tinh khác, không phải đá đồng nhất xuyên suốt, điều được tiết lộ qua các thiết bị đo địa chấn. Ngay cả việc Mặt Trăng vẫn có động đất nhẹ cũng là gợi ý cho điều này.
Nghiên cứu mới sử dụng một mô hình máy tính chi tiết được xây dựng trên dữ liệu địa chất của chương trình Apollo và sứ mệnh GRAIL của NASA, là một cặp tàu thăm dò theo dõi trường hấp dẫn của Mặt Trăng trong hơn 1 năm.
Mô hình đã chỉ ra lõi trong đường kính khoảng 500 km, tương ứng 15% đường kính của cả thiên thể.
Công trình cũng lần đầu tiên tìm ra bằng chứng về sự xáo trộn vật chất của lớp phủ Mặt Trăng, một quá trình mà vật chất nóng chảy ấm hơn trồi lên qua lớp phủ, điều có thể giải thích sự hiện diện của sắt trên bề mặt thiên thể này.
Hiểu sâu hơn về những gì Mặt Trăng che giấu bên trong có thể giúp các nhà khoa học làm sáng tỏ nhiều thứ, bao gồm từ trường một thời của nó. Thiên thể này từng được chứng minh là đã từng có từ trường, thậm chí có nước và sự sống, nhưng một quá trình tiến hóa không may đã biến nó thành tảng đá khô cằn ngày nay.
Nghiên cứu cũng cung cấp bước đệm tuyệt vời cho hàng loạt sứ mệnh thám hiểm Mặt Trăng trong tương lai, giúp các nhà khoa học có sự chuẩn bị đúng hướng, đầy đủ nhất và gặt hái thành quả tốt nhất.
Bình luận (0)