Một nghiên cứu vừa công bố trên tạp chí Astronomy and Astrophysics cho thấy trong giai đoạn trẻ trung của mình, Sao Mộc đã nuốt được rất nhiều hành tinh nhỏ hơn để đạt được kích thước và khối lượng khổng lồ như bây giờ.
Hành tinh có khối lượng gấp 318 lần Trái Đất này được cấu tạo gần như hoàn toàn từ hydro và heli, với tỉ lệ phù hợp chặt chẽ với các đại lượng lý thuyết trong tinh vân Mặt Trời nguyên thủy.
Tuy nhiên nó cũng chứa các nguyên tố kim loại nặng hơn, cho thấy nó phải nuốt khá nhiều đá trong thời kỳ nguyên thủy.
"Hành tinh quái vật" lớn tới nỗi chỉ riêng cơn bão màu đỏ nổi tiếng của nó cũng thừa sức nuốt gọn Trái Đất - Ảnh: JUNO/NASA
Theo Science Alert, nhóm nghiên cứu dẫn đầu bởi phó giáo sư vật lý thiên văn Yamila Miguel từ Đài quan sát Leiden và Viện nghiên cứu Vũ trụ Hà Lan đã dựa vào các dữ liệu mà tàu Juno của NASA thu thập được, đưa ra 2 kịch bản cho sự hình thành Sao Mộc.
Kịch bản thứ nhất, Sao Mộc đơn giản là nuốt rất nhiều những thiên thạch nhỏ. Tuy nhiên kết quả phân tích thành phần đã chỉ ra điểm vô lý: Cách thức này sẽ không đủ để Sao mộc sở hữu các nguyên tố kim loại quá phong phú như hiện tại.
Kịch bản thứ hai, vô cùng đáng sợ: Trái Đất bé nhỏ của chúng ta đã may mắn khi ở ngay gần một "hành tinh quái vật". Rất nhiều hành tinh nhỏ hơn, có thể như Trái Đất hay Sao Hỏa, chính là nguồn cung cấp kim loại cho siêu hành tinh này.
Nói cách khác, Sao Mộc non trẻ, với lực hấp dẫn điên cuồng, đã thu hút và nuốt chửng rất nhiều hành tinh của hệ Mặt Trời sơ khai.
Sự phân bố không đồng nhất của các nguyên tố nặng trong lớp vỏ của Sao Mộc cũng củng cố thêm lý thuyết này. Các hành tinh nó nuốt được đã phát triển ở mức khá phức tạp, nên cung cấp cho gã khổng lồ khí một thành phần vô cùng đa dạng.
Nhờ đó, Sao Mộc đã đạt được độ lớn khổng lồ, đến nỗi dù nó ở rất xa, bạn vẫn có thể nhìn thấy hành tinh này một cách rất rõ ràng trên bầu trời đêm. Nó trông như một ngôi sao lớn tỏa ánh sáng trắng ngả vàng nhạt, chỉ kém sáng hơn Sao Kim một chút.
Bình luận (0)