Báo cáo cho biết năm nay lỗ hổng tầng ozone ở Nam cực xuất hiện khá trễ, tuy nhiên trong vài tuần trước nó đã phát triển khá nhanh và vượt qua kích thước lớn nhất vào năm 2007.
Vào ngày 13-9, lỗ hổng này bao trùm trên diện tích 27 triệu km2, trong khi diện tích lớn nhất của nó vào năm 2007 là 25 triệu km2. Kích thước này vẫn đang lớn dần, và theo WMO, vẫn còn quá sớm để xác định chính xác kích thước lỗ hổng tầng ozone trong năm nay.
Tầng ozone là lớp lọc tia cực tím có hại của ánh sáng mặt trời một cách tự nhiên. Tia cực tím có thể gây cháy nắng, bệnh đục nhân mắt, ung thư da và hư hại cây trồng.
Lỗ hổng trên tầng ozone hình thành do nhiệt độ quá lạnh ở biên độ cao, đặc biệt là tác động của ô nhiễm từ hóa chất thường được sử dụng trong tủ lạnh, một vài loại xốp nhựa hoặc chai xịt nước hoa... và các chất này sẽ tích tụ lại trong bầu khí quyển.
Lỗ hổng tầng ozone ở Nam cực được phát hiện từ năm 1980. Nó thường hình thành vào tháng tám và đạt đến kích thước lớn nhất vào cuối tháng chín hoặc đầu tháng mười trước khi thu hẹp trở lại vào giữa tháng mười. Kích thước lỗ hổng này phụ thuộc khá nhiều vào điều kiện thời tiết trên Trái đất.
“Sẽ mất nhiều thập kỷ để lỗ hổng này biến mất và trở lại tình trạng trước năm 1980, có lẽ đó là vào năm 2075” - Geir Braathen, chuyên gia của WMO, dự báo.
Bình luận (0)