Các nhà khoa học tại Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia (NOAA) và Cơ quan Hàng không và Không gian Quốc gia Mỹ (NASA) thông báo diện tích lỗ thủng của tầng ozone Nam Cực được ghi nhận cực đại hiện nay vào ngày 22-9-2012 là 21,2 triệu km² (bằng diện tích của cả khu vực Bắc Mỹ).
Đồ thị cho thấy tầng ozone nhỏ lại trong năm nay - Ảnh Live Science
Như vậy, lỗ thủng này nhỏ hơn nhiều so với con số lớn nhất được ghi nhận hồi năm 2000 là 29,9 km². Lý do lỗ thủng tầng ozone bé lại phát xuất từ đợt không khí ấm luân lưu trên khí quyển Nam Cực trong năm nay.
Tầng ozone có tác dụng như lá chắn ngăn bớt bức xạ cực tím, bảo vệ con người trước bệnh ung thư da và nhiều nguy cơ khác cho nhân loại.
Các nhà khoa học cho rằng lỗ thủng ở tầng ozone chủ yếu do khí clor từ hóa chất chlorofluorocarbon (CFC) do con người chế tạo, sử dụng trong một số sản phẩm ở thế kỷ 20. Ngoài ra, nhiệt độ không khí cũng ảnh hưởng đến tần suất CFC phá vỡ phân tử ozone.
Lỗ thủng tầng ozone Nam Cực được phát hiện lần đầu tiên vào cuối thập niên 1970. CFC phá hủy dần ozone ở tầng bình lưu trong nhiều thập niên qua khiến lỗ thủng này tiếp tục lớn dần hơn 20 năm sau đó rồi bắt đầu giảm đà tăng vào đầu thập niên 2000.
Dù sự sản sinh hóa chất hủy hoại tầng ozone đã phần nào được kiểm soát từ 25 năm qua nhưng các nhà khoa học vẫn cho rằng cần có 1 thập niên nữa để có thể thấy tầng ozone Nam Cực bắt đầu hồi phục.
Chuyên gia hóa học khí quyển của NASA Paul Newman ước tính rằng từ nay đến trước thập niên 2060, tầng ozone Nam Cực sẽ không trở lại tình trạng như đầu thập niên 1980 bởi hóa chất hủy hoại tầng ozone tồn tại rất lâu ở khí quyển.
Bình luận (0)