Ảnh loài mang được cho đã tuyệt chủng 85 năm trước mới được ghi nhận bằng bẫy ảnh đặt trong khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên (Thanh Hóa). Ảnh do khu bảo tồn cung cấp
Ngày 5-3, ông Nguyễn Đình Hải, Giám đốc Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên (có địa chỉ ở huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa), cho biết loài Mang thuộc họ hươu nai, có tên khoa học là Muntiacus rooseveltorum được coi đã tuyệt chủng từ năm 1929 nay bỗng xuất hiện tại khu bảo tồn.
Loài mang Muntiacus rooseveltorum được các nhà khoa học ghi nhận tại tỉnh Hủa Phăn (Lào). Mẫu sọ loài này được lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử tự nhiên Mỹ.
Theo ông Hải, từ năm 2012 - 2014, Trung tâm Cres (Đại học Quốc gia Hà Nội) phối hợp với cán bộ Khu bảo tồn thực hiện dự án “Điều tra, bảo tồn các loài mang tại khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên”. Trong quá trình điều tra, đoàn chuyên gia đã chụp được ảnh của loài mang này trên địa bàn khu bảo tồn và phát hiện được mẫu phân cũng như tìm thấy mẫu sừng và da của loài mang được cho đã tuyệt chủng trong nhà dân săn bắn được.
Đầu con mang được tìm thấy ở nhà dân trong vùng, được các nhà khoa học lấy mẫu đi xét nghiệm và trùng với mẫu con Mang đang được lưu giữ ở Bảo tàng Lịch sử tự nhiên Mỹ
Các nhà khoa học đã mang những mẫu trên đi xét nghiệm, qua xét nghiệm AND tại Viện Sinh thái tài nguyên sinh vật (Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam) từ mẫu phân và mẫu da của loài mang kể trên và đem so sánh với mẫu AND của loài mang đang lưu giữ tại Bảo tàng lịch sử tự nhiên Mỹ, thì xác định các mẫu AND hoàn toàn trùng khớp với nhau và khẳng định đây chính là loài mang Muntiacus rooseveltorum được coi là đã tuyệt chủng cách đây 85 năm về trước.
Đây được cho là phát hiện có ý nghĩa rất lớn cho khoa học và công tác bảo tồn tại Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên.
Bình luận (0)