Đó là kết quả từ nghiên cứu dẫn đầu bởi Đại học McMaster (Canada), sau khi phân tích DNA lấy từ các mẫu đất được lấy từ vùng Klondike ở Yukon, Canada.
Kho báu DNA này đã được lưu trữ suốt 30.000 năm qua, thể hiện chi tiết về sự tồn tại của hệ động vật và thảm thực vật cổ đại trong khu vực. Họ đã dùng nó để xem xét lại dự đoán trước đây về sự tuyệt chủng của ma mút và nhiều động vật kỷ băng hà, được cho là biến mất hoàn toàn khỏi thế giới gần 10.000 - 11.000 năm trước.
"Xác ướp" tự nhiên của một con ma mút lông xoăn nhỏ được trưng bày tại Yokohama (Nhật Bản) vài năm trước - Ảnh: Phys.org
Theo Gizmodo, mẫu DNA "trẻ" nhất của ma mút lông xoăn (còn gọi là ma mút lông xoắn, ma mút lãnh nguyên) và ngựa Bắc Mỹ cho thấy cả 2 loài này vẫn còn tồn tại cho đến 5.000 năm về trước, vào giữa thế Holocen.
Trong khi đó, các loài động vật to lớn khác của kỷ băng hà thật sự đã biến mất trong giai đoạn 11.000-14.000 năm về trước, khi khí hậu Trái Đất bất ổn vào giai đoạn kỷ băng hà dần kết thúc.
Theo Daily Mail, các bằng chứng DNA còn cho thấy sự biến mất của những quái thú cổ đại không hẳn do con người săn bắt đến tuyệt chủng. Vào mốc 5.000 năm trước đó, đã có thêm những thay đổi lớn về môi trường khiến các sinh vật này biến mất.
Một phát hiện thú vị khác từ nghiên cứu, theo tiến sĩ Ross MacPhee từ Bảo tàng Lịch sử tự nhiên Mỹ, đó là ngựa Bắc Mỹ chưa thực sự tuyệt chủng. DNA cổ đại cho thấy nó liên quan trực tiếp đến một loài ngựa hiện đại mang tên Equus caballus.
"Lượng dữ liệu di truyền trong lớp băng vĩnh cửu là khá lớn và thực sự cho phép tái tạo quy mô hệ sinh thái và quá trình tiến hóa chưa từng có so với các phương pháp khác cho đến nay" - tiến sĩ Tyler Murchie từ Trung tâm DNA cổ đại của Đại học McMaster, kết luận.
Bình luận (0)