Lý do có vẻ hài hước này đã khiến sauropod - những con khủng long cổ dài khổng lồ - trở thành loài thống trị kỷ Jura dù trong thời điểm đó, hầu hết các loài khác đều đối mặt với thảm cảnh, thậm chí tuyệt chủng sau khi môi trường bị đảo lộn bởi thảm họa siêu núi lửa.
Ảnh đồ họa mô tả "siêu quái vật" của kỷ Jura - Ảnh: J. GONZALEZ
Nhưng xét cho cùng, bản năng tìm kiếm thức ăn luôn là yếu tố quan trọng thúc đẩy sự tiến hóa của các sinh vật Trái Đất. Với siêu quái vật sauropod, nó đã phát triển một bộ hàm rộng và khỏe, bên trong là những chiếc răng cỡ to với lớp men dày. Cổ của chúng cũng ngày càng dài ra so với các loài tổ tiên, chân ngày càng to và chắc như những chiếc cột đình. Ruột của chúng cũng ngày càng tăng kích thước.
Theo nhóm nghiên cứu từ Bảo tàng Cổ sinh vật học Egidio Feruglio (Argentina), sự "biến hình" nó trên khiến loài khủng long này dễ dàng ngoạm lá ở tầng cao của các cây lá kim - loài thực vật vẫn sinh trưởng tốt và dồi dào giữa môi trường khắc nghiệt, nhưng "khó nuốt" với đa số các khủng long khác.
Bộ ruột to cũng giúp chúng chỉ cần ăn một lần thật nhiều rồi thong dong ngồi chờ tiêu hóa trong nhiều ngày, thay vì phải vất vả đi tìm kiếm nguồn lương thực hàng ngày.
Phát hiện trên đến từ việc phân tích các trầm tích chứa Bagualia alba, một loài sauropod sống trong khoảng 179 đến 145 triệu năm về trước.
Nhờ sự biến đổi trên, không những không bị tuyệt chủng như nhiều loài sauropod cỡ nhỏ khác, thảm họa siêu núi lửa toàn cầu của kỷ Jura dường như là dịp may để Bagualia alba và các loài sauropod khác nhân rộng quân số, đẩy lùi các loài ăn cỏ cạnh tranh và thống trị các lục địa.
Công trình vừa đăng tải trên tạp chí khoa học Proceedings of the Royal Society B.
Bình luận (0)