Một khảo sát mới đây cho thấy có đến 40% thị dân Trung Quốc (TQ) thường xuyên đối diện với các vấn đề về giấc ngủ. Các tình trạng căng thẳng tâm lý, ô nhiễm tiếng ồn và... những người chung phòng ngáy quá lớn... chỉ là một số trong nhiều nguyên nhân khiến họ thực sự mệt mỏi sau một đêm không có giấc ngủ ngon.
Khảo sát do Trung tâm Nghiên cứu giấc ngủ, một phân ban của Ủy ban Các vấn đề xã hội TQ, thực hiện còn cho thấy có nhiều, rất nhiều nạn nhân đang phải đối mặt với chứng ngủ rũ (narcolepsy) – biểu lộ qua cảm giác buồn ngủ bất cứ khi nào.
Tuần trước, một nhóm chuyên gia y tế đã nhóm họp ở Bắc Kinh nhằm tìm kiếm biện pháp cải thiện chất lượng giấc ngủ. Giáo sư Vương Ngọc Bình ở Bệnh viện Hiến Vũ, Bắc Kinh, cho rằng chính áp lực công việc nặng nề và nhịp sống thời công nghiệp cùng phong cách sống dịch vụ... của cư dân thành thị là các nhân tố chính ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ. Theo ông Vương thì nhịp sống công nghiệp trong xu thế phát triển kinh tế của các quốc gia (đặc biệt là TQ) trong những năm gần đây đã đè nặng lên khả năng thích ứng, và áp lực về mức sống cũng góp phần không nhỏ làm ảnh hưởng đến giấc ngủ.
Vấn đề rối loạn giấc ngủ đã trở thành căn bệnh phổ biến ở người trung niên mặc dù họ đã có sự hậu thuẫn từ gia đình và công việc. Và, con số những người trẻ tuổi bị rối loạn giấc ngủ cũng không ngừng gia tăng. Anh Cao Vị, 29 tuổi, một nhân viên của công ty nước người ở Bắc Kinh, cho biết anh thường xuyên có cảm giác buồn ngủ trong lúc làm việc và không thể tập trung. Thế nhưng vào ban đêm anh lại rất khó khăn để tìm được một giấc ngủ ngon.
Không chỉ có người lớn mới bị áp lực về giấc ngủ, sinh viên, học sinh với thời khóa biểu dày đặc ở trường, cả núi bài tập về nhà và những hoạt động ngoại khóa khác cũng đã gặp không ít khó khăn. Một khảo sát mới đây trên 5.846 học sinh, sinh viên ở 10 thành phố chính tại TQ, gồm Bắc Kinh, Thượng Hải và Trùng Khánh..., cho thấy có đến 10,4% đối tượng dưới 12 tuổi ngủ ít hơn 8 giờ mỗi đêm. Điều này thấp hơn nhiều so với khuyến cáo y tế, rằng trẻ em và thiếu niên nên ngủ ít nhất 9 giờ mỗi ngày đêm 24 tiếng. “Ngủ đủ không chỉ là một trong những nhu cầu thiết yếu cho sự tỉnh táo” – bác sĩ nhi khoa Đinh Mân cho biết. “Điều này còn đặc biệt quan trọng đối với trẻ em và thiếu niên, những đối tượng rất cần sự ngủ nghỉ để chuyển hóa dinh dưỡng vốn rất quan trọng cho sự tăng trưởng thể chất và trí lực”.
Trằn trọc thâu đêm không chỉ là hậu quả riêng rẽ của chứng mất ngủ, mà theo một khảo sát của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), thì có đến 27% dân số trên thế giới có các vấn đề về giấc ngủ. Mất ngủ chỉ là tình trạng phổ biến nhất của chứng rối loạn giấc ngủ, và nó xảy ra thường xuyên hơn ở phụ nữ và người lớn tuổi. Theo Quỹ Quốc tế về khoa học thần kinh và sức khỏe tâm thần, chính tình trạng rối loạn giấc ngủ là một trong những nguyên nhân làm gia tăng các vấn đề về sức khỏe như tim mạch, đặc biệt là sức khỏe tâm thần...
Bình luận (0)