Nhà thiên văn học Nhật Bản Daichi Fujii, người phụ trách Bảo tàng TP Hiratsuka, đã ghi lại sự kiện này bằng cách sử dụng máy ảnh chuyên dụng được đặt để theo dõi Mặt Trăng.
Đó là một thiên thạch khá lớn, dường như va vào khu vực gần miệng hố va chạm Ideler L, chếch về phía Tây Bác của miệng hố va chạm Pitiscus.
Khoảnh khắc thiên thạch đâm sầm vào Mặt Trăng - Ảnh: Daichi Fujii
Theo tờ Space, các thiên thạch di chuyển với vận tốc trung bình khoảng 48.280 km/giờ. Các tác động tốc độ cao của chúng tạo ra nhiệt độ cao và các miệng hố va chạm, đồng thời tạo ra một tia sáng nhìn thấy rực rỡ.
Các tác động lên Mặt Trăng có thể được nhìn thấy từ Trái Đất, như được chụp ở trên, nếu chúng đủ lớn và xảy ra ở một khu vực đang chìm trong bóng tối của chu kỳ Mặt Trăng. Nhà thiên văn học Nhật Bản đã gặp may khi bắt được "kẻ tấn công từ vũ trụ" vào ngày 23-2, khi Mặt Trăng còn khuyết.
Theo tính toán sau đó của ông Fujii, miệng hố va chạm mới được tạo ra có thể có đường kính khoảng hơn 10 m và có thể được chụp bởi Tàu quỹ đạo Trinh sát Mặt trăng của NASA hoặc tàu thăm dò Mặt trăng Chandrayaan 2 của Ấn Độ nếu họ tiến hành các cuộc kiểm tra sau đó.
Chấm lóe sáng ở góc trái, ngay phía trên lưỡi liềm sáng là nơi thiên thạch lao vào - Ảnh: Daichi Fujii
Thiên thạch vẫn thường xuyên "dội bom" vào cả Trái Đất lẫn Mặt Trăng, tuy nhiên nếu hướng về phía Trái Đất hầu hết chúng sẽ bị bốc cháy hoàn toàn trong bầu khí quyển dày. Ngược lại Mặt Trăng có bầu khí quyển rất mong manh nên thường xuyên bị bắn phá khắp bề mặt.
Các hố thiên thạch nhỏ như sự kiện vừa rồi chỉ có thể được quan sát bởi tàu vũ trụ, tuy nhiên nhiều hố lớn hơn có thể được nhìn thấy từ Trái Đất ngay cả với một chiếc máy ảnh thông thường có ống kính zoom đủ xa, khiến các hình ảnh cận cảnh về "chị Hằng" luôn phô bày bề mặt đầy các hố lớn nhỏ.
Phát hiện nói trên được cho là rất có giá trị trong việc giúp các nhà khoa học nghiên cứu cụ thể về tác động của những kẻ xâm nhập ngoài hành tinh vào Mặt Trăng - một hố va chạm "còn nóng hổi" đối với các nhà du hành từ Mỹ hay một số quốc gia khác, đang có kế hoạch đổ bộ mặt trăng trong tương lai gần.
Bình luận (0)